Sơn La sẽ áp dụng nền tảng số trong kinh doanh nông sản để đối phó với đại dịch Covid-19
Vải thiều Hải Dương sẽ được bán trên 4 sàn thương mại điện tử từ 15/5 / Lazada giao vải thiều Thanh Hà nhanh trong 4h là tới tay người mua tại Hà Nội và TP.HCM
Ngày 28/5/2021, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021”, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hai mặt hàng này của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức cho vụ thu hoạch đang đến.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 19.026 ha diện tích trồng xoài, sẽ cho sản lượng thu hoạch khoảng 65.223 tấn và 19.224 ha diện tích trồng nhãn với sản lượng ước đạt 98.500 tấn.
Hiện, các sản phẩm xoài và nhãn Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn Sơn La cũng đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Công - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho biết, đến nay, tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.701,84 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, 130 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 51 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang Australia, Mỹ…
Sơn La sẽ áp dụng nền tảng số trong kinh doanh nông sản để đối phó với đại dịch Covid-19.
Nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh Sơn La đã được đăng ký nhãn hiệu, những sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường cả nước gồm: Na Mai Sơn, Xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La, Nhãn Sông Mã…
Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của tỉnh ước đạt 41,39 triệu USD, chiếm tới 93,45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn tỉnh.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương - cho rằng, Sơn La cần tiếp tục nghiên cứu, có kế hoạch thực hiện XTTM theo chuỗi từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư hơn nữa, nghiên cứu hoàn thiện quy trình và quản lý sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu nông sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ, xuất khẩu, có giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong khâu thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Sơn La nên tính đến việc xây dựng các thương hiệu riêng cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh và đề nghị tỉnh xây dựng các clip quảng bá ngắn gọn, ấn tượng cho từng dòng sản phẩm. Cục XTTM sẽ phối hợp với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức XTTM nước ngoài đẩy mạnh quảng bá thương hiệu xoài, nhãn Sơn La ra nước ngoài, ông Phú cho biết.
Chia sẻ về công tác XTTM trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, ông Vũ Bá Phú cho biết, thời gian qua, Cục đã tập trung triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực về các phương thức bán hàng và XTTM trên các nền tảng số…
Đáng chú ý, Cục XTTM đã hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại trong nước và quốc tế.
Với tỉnh Sơn La, trong mùa vụ này, Cục XTTM hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm mận hậu và xoài lên sàn TMĐT Shopee bắt đầu từ ngày 28/5/2021.
Sắp tới Cục XTTM sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của Sơn La hỗ trợ các hợp tác xã, chủ trang trại… đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số. Đây là một hoạt động mới của Cục XTTM nhằm giúp các đầu mối cung ứng hàng nông sản Sơn La tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường tiêu dùng theo xu hướng mới, ông Vũ Bá Phú thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo