Chuyển đổi số

Tận dụng cơ hội của Cách mạng 4.0 hội nhập ASEAN: Yếu tố sống còn với doanh nghiệp

DNVN - Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, việc nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội này chính là yếu tố sống còn đối với các thành viên ASEAN.

Nguy cơ bị “loại bỏ khỏi cuộc chơi” khi doanh nghiệp chưa bắt đầu chuyển đổi số / 5 trụ cột quan trọng và lộ trình 3 bước của chuyển đổi số

Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị cũng như chủ động thích ứng để bước ra thế giới.

Ngay tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) năm 2018 đã nổi lên một thông điệp xuyên suốt “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN”. Với việc đưa ra chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, một chủ đề thời sự mà các nước đang đặc biệt quan tâm, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét tại hội nghị WEF-ASEAN 2018.

Mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN ra đời theo đề xuất được các nhà lãnh đạo ASEAN công bố tại hội nghị cấp cao diễn ra tháng 5/2018 là bước đi phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh đô thị hóa, công nghệ và số hóa đang phát triển rất mạnh.Với sự tham gia của 26 thành phố, trong đó Việt Nam có 3 thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), ASEAN đang triển khai đúng hướng kế hoạch cùng nhau tận dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện đời sống của người dân tại các thành phố tham gia mạng lưới, cũng như tạo sự liên kết với các thành phố khác trong khu vực, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của mỗi quốc gia và cả khu vực. Đây cũng là minh chứng sinh động cho tính tự cường và sáng tạo của ASEAN trong giai đoạn mới.

Các doanh nghiệp FDI có công nghệ mới với cách quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước.

Các doanh nghiệp FDI đã nhanh nhạy trong việc tận dụng các cơ hội và thế mạnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Các doanh nghiệp FDI đã nhanh nhạy trong việc tận dụng các cơ hội và thế mạnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Thực tế, nhiều nước đã khai thác rất tốt các cơ hội và lợi ích của hội nhập để đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cao, ổn định trong nhiều năm liên tục, nhanh chóng vươn lên hàng các nước công nghiệp mới và tạo dựng được vị thế quốc tế đáng nể, đồng thời xử lý khá thành công các bất lợi và thách thức của quá trình hội nhập. Đây là tiền đề quan trọng mang đến những bài học và kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam cũng như các quốc gia trong cộng đồng ASEAN.

Cùng với những biến động không ngừng của các xu hướng thương mại thế giới, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng. Quá trình hội nhập mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, cạnh tranh. Cùng với thương mại, công nghệ cũng không ngừng phát triển với các nền tảng về cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải lập kế hoạch để duy trì sự phát triển mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Sau 12 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được tăng lên. Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng tăng hơn trước. Không chỉ tăng về lượng, mà cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng có những thay đổi theo hướng tích cực. Trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ 4, các doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Hiện nay ở Việt Nam đã có có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu… các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình để bắt kịp với những tiêu chuẩn quốc tế mới ngày càng nhiều thách thức hơn.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.

Cũng theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng xác định rõ 6 quan điểm, cách tiếp cận của Chương trình, trong đó: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số; và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm