Chuyển đổi số

Thời điểm "vàng" giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

DNVN - Quản trị rủi ro trong hoạt động chuyển đổi số cũng như các mô hình chuyển đổi số mới là điều mà các doanh nghiệp rất quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Quân - Top 10 lãnh đạo công nghệ trẻ năm 2021.

Ra mắt dịch vụ đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp / Số hoá quy trình chấm công và cảnh báo an toàn

PV: Ngoài chức danh Giám đốc Chuyển đổi số của Rikkeisoft, được biết ông còn là người sáng lập, đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của 3 công ty khởi nghiệp với nhiều kinh nghiệm về vận hành, bài toán kinh doanh, đặc biệt là quản trị rủi ro trong hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo ông quản trị rủi ro trong chuyển đổi số có tầm quan trọng như thế nào đến kết quả chuyển đổi số của doanh nghiệp?
Ông Ngô Minh Quân: Chuyển đổi số giúp quản trị tốt hơn các rủi ro truyền thống khi có các công cụ tổng hợp, phân tích dữ liệu và hỗ trợ đưa ra quyết định. Thực tế, rủi ro khi chuyển đổi mô hình có thể phát sinh bất cứ khi nào và có thể ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến kết quả và mức độ thành công.

Ông Ngô Minh Quân - Giám đốc Chuyển đổi số Công ty CP Rikkeisoft.
Bản thân chuyển đổi số có thể dẫn đến nguy cơ rủi ro an minh mạng và bảo mật thông tin. Ở góc độ nhân sự và khách hàng, rủi ro cũng có thể xuất hiện khi nguồn nhân lực thiếu sẵn sàng trong sử dụng, vận hành và kiểm soát công cụ số, hay yếu tố pháp lý khi triển khai các mô hình kinh doanh mới. AI, IoT, Cloud, VR/AR là những “cánh tay công nghệ” hỗ trợ cải tiến quá trình vận hành và sản xuất. Tuy nhiên, những công nghệ cao có thể là “con dao hai lưỡi” để tội phạm an ninh mạng tạo ra các lỗ hổng bảo mật.
Các rủi ro về an toàn thông tin có thể dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh - vận hành của doanh nghiệp. Một số có thể làm chậm quá trình, thậm chí dẫn đến thất bại trong chuyển đổi số.
PV: Theo phân tích của ông thì quản trị rủi ro trong chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp hạn chế những rủi ro này?
Ông Ngô Minh Quân: Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần hiểu đúng về mục đích chuyển đổi số, chủ động đưa ra chiến lược và chuẩn bị đầy đủ, hoặc cần tham vấn từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, đặc biệt là hiểu các vấn đề liên quan đến pháp lý và công nghệ.
PV: Việc lựa thời điểm “vàng” để chuyển đổi có phải là cách hạn chế rủi ro không, thưa ông?
Ông Ngô Minh Quân:Việc xác định được thời điểm mấu chốt để doanh nghiệp chuyển đổi số cũng là một giải pháp để hạn chế rủi ro. Nhưng làm thế nào để xác định được thời điểm? Thời điểm "vàng" để chuyển đổi số là câu hỏi khó để trả lời, bản chất quyết định chuyển đổi số phải được tác động bởi 3 yếu tố.
Thứ nhất, nhận thức doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận ra nhu cầu cao của việc chuyển đổi do mô hình quản trị, vận hành kinh doanh đã cũ. Thứ hai, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp. Đây là yếu tố có vai trò quyết định. Mức độ sẵn sàng này bao gồm năng lực tài chính, khả năng thích ứng công nghệ, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đó. Cuối cùng là yếu tố khủng hoảng. Chính những thay đổi lớn và bất ngờ trong môi trường kinh doanh, là tác nhân thúc đẩy việc đưa ra quyết định sớm và quyết liệt hơn.
Mỗi doanh nghiệp nên dựa vào ba yếu tố này để tìm ra thời điểm “vàng” cho hoạt động chuyển đổi số. Mấu chốt không phải là sớm hay muộn, mà là thời điểm phù hợp với tư duy và năng lực của con người và tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp.
PV: Là người có nhiều kinh nghiệm chuyển đổi số cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, theo ông, đâu là sự khác biệt trong cách thích ứng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài?
Ông Ngô Minh Quân: Hiện doanh nghiệp Việt Nam mới chủ yếu ở giai đoạn số hóa, áp dụng công nghệ. Trong khi, doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào hạ tầng và công cụ quản trị khá sớm và họ chủ yếu đang tập trung vào giai đoạn sau của chuyển đổi số, như khai phá dữ liệu, tối ưu hoá chi phí hay tìm kiếm mô hình kinh doanh số mới.
Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, dù xuất phát sau nhưng các doanh nghiệp nước ta lại hưởng lợi từ việc này khi có nhiều lựa chọn về công nghệ, giải pháp hơn. Các case study đi trước có thể giúp họ rút ngắn thời gian, thậm chí vừa số hoá và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó có sự đầu tư bài bản.
Tôi cho rằng, đây là thời điểm rất thích hợp để doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển đổi số. Yếu tố đầu tiên, đại dịch COVID-19 cũng như các biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới là tác nhân thúc đẩy lớn. Việt Nam đã có hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin đủ tốt. Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ bằng chính sách, đưa ra định hướng và tư vấn bằng chương trình. Những case study thành công cũng như bài học từ các doanh nghiệp đi trước cũng là yếu tố giúp tăng khả năng thành công trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm những mô hình chuyển đổi số mới trong nước hiện nay? Tại sao lại có xu hướng chuyển đổi số trong các ngành này?
Ông Ngô Minh Quân: Đầu tư tài chính và bất động sản là hai lĩnh vực bắt đầu tìm đến chuyển đổi số. Ở lĩnh vực tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán có sự dịch chuyển trong xây dựng các nền tảng, các ứng dụng công nghệ. Mục đích để hướng đến các nhà đầu tư cá nhân với quy mô đầu tư nhỏ, cho phép nhà đầu tư có thể đăng ký (sử dụng giải pháp eKYC- định danh điện tử và hợp đồng điện tử và chữ ký số) và thực hiện giao dịch từ xa mà không cần phải đến quầy.
Đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên các website và nền tảng xã hội, cũng như ứng dụng nhiều công nghệ mới như AR/VR giúp khách hàng có thể tìm hiểu dự án trải nghiệm từ xa, doanh nghiệp cũng tiếp cận với tập khách hàng rộng hơn.
Hai ngành này được dự đoán có xu hướng đầu tư chuyển đổi mạnh mẽ nhằm xây dựng mở rộng kênh tiếp thị, kênh bán, kênh tiếp cận tương tác với khách hàng trên các nền tảng trực tuyến. Việc này giúp doanh nghiệp trong hai ngành này tăng doanh số, mở rộng tập khách hàng, trực tiếp giúp thúc đẩy kinh doanh. Tôi tin rằng, hoạt động chuyển đổi số trong các ngành trên sẽ thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh truyền thống, trong đó tỉ trọng và doanh thu đến từ việc kinh doanh online sẽ dần chiếm ưu thế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm