Chuyển đổi số

Thực hiện TTHC trực tuyến: Trả kết quả còn phụ thuộc quá nhiều vào bản giấy

DNVN - Đây chỉ là một trong nhiều tồn tại của việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua môi trường điện tử được chỉ ra trong báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam công bố sáng 20/4 tại Hà Nội.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số / Chuyển đổi số cần có người đứng đầu "máu lửa"

Tại Hội thảo công bố báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, một trong những nội dung quan trọng của báo cáo là đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, việc thúc đẩy thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4 nhìn chung vẫn còn rất chậm, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, nhưng một số lại khá hình thức.
"Số lượng các dịch vụ công cấp độ 4 có tăng, nhưng nhiều bộ ngành vẫn chưa thực hiện được yêu cầu về tỷ lệ ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Số lượng nộp hồ sơ thực tế qua hình thức này không nhiều. Nếu có, hồ sơ ở một số bộ lại tập trung chủ yếu vào một hoặc một vài thủ tục đơn giản, như thủ tục báo cáo hành khách của Bộ Giao thông vận tải", Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhìn nhận.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáoChương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam.
Việc chuyển đổi dịch vụ công năm 2020 có xu hướng chuyển thẳng lên cấp độ 4 mà không qua cấp độ 3 (thực hiện trực tiếp nhưng vẫn phải mang hồ sơ bản giấy khi nhận kết quả). Tuy nhiên, việc này lại được áp dụng chủ yếu với các thủ tục mang tính báo cáo, không cần cơ quan nhà nước trả lời, hoặc chỉ cần trả lời tự động.
Việc thành lập Cổng Dịch vụ công quốc gia là một bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2020, giúp kết nối và giám sát các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương. Đơn vị có nhiều hồ sơ thực hiện qua cổng này nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với gần 600 nghìn hồ sơ. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trên 1.000 hồ sơ nộp qua Cổng quốc gia.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, việc thực hiện TTHC qua môi trường điện tử còn một loạt điểm nghẽn. Theo đó, có tình trạng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công tại Cổng dịch vụ công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng không được giải quyết, mà thay vào đó được hướng dẫn nộp hồ sơ giấy.
Việc thanh toán trực tuyến với lệ phí vẫn chưa được thực hiện với nhiều thủ tục ở các bộ, ngành. Hoặc có tình trạng website thanh toán bị lỗi, không thể truy cập hoặc không thể thanh toán được mà không rõ lý do.
Các cổng dịch vụ công trực tuyến thường gặp lỗi mà không rõ lý do vì sao, chẳng hạn như hệ thống bị treo, không thể nộp hồ sơ mà không rõ lý do; không tải được tệp đính kèm mà không rõ lý do; không nhận được thông báo đã nhận được hoặc có thông báo nhưng không có mã hồ sơ để tra cứu; hệ thống không tìm thấy hồ sơ khi tra cứu tình trạng hồ sơ; đợi xác thực khi đăng ký tài khoản mất nhiều thời gian, đặc biệt với các thủ tục có tần suất thực hiện thấp;
"Việc trả kết quả phụ thuộc quá nhiều vào bản giấy (bản cứng có chữ ký và dấu). Doanh nghiệp mong muốn các kết quả có thể được trả qua đường điện tử với thể thức xác định như mã số, mã vạch hay QRcode. Doanh nghiệp có thể in phiếu kết quả này ra để sử dụng như bản chính. Trường hợp cần xác nhận, có thể lên website của cơ quan nhà nước để tra cứu xác thực nội dung", ông Tuấn thông tin.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện TTHC là tiến bộ, nhưng doanh nghiệp còn e dè vì một số lý do như phải nộp cả bản giấy nên không khác biệt; nộp trực tuyến không được hướng dẫn để sửa hồ sơ ngay lập tức như nộp trực tiếp, hệ thống công nghệ thông tin còn hay bị lỗi.
Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra rằng, việc cấp phép băng tần để khai thác cho công nghệ 4G và tiến tới 5G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông nỗ lực tiến hành, nhưng quy trình vẫn chưa thể tiến hành do các quy trình đấu giá mất nhiều thời gian. Dịch vụ mobile money chính thức được cho phép thử nghiệm tại Việt Nam theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, sẽ cạnh tranh trực tiếp với các ví điện tử và các ngân hàng trong mảng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cơ chế tài chính của cơ quan nhà nước trong chi trả dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được hướng dẫn, dẫn đến vướng mắc trong quá trình cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian thanh toán.
Việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai, nhưng chưa tiện lợi vì vẫn phải đến cơ quan chức năng, hình thức thanh toán chưa đa dạng, phải lập thêm tài khoản tại Cổng dịch vụ công.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm