Nhận diện rào cản chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19
DNVN - Khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số của DN trong bối cảnh Covid-19" do Viện Phát triển doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện trong năm 2020 cho thấy rõ bức tranh chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN) trước và khi Covid-19 xảy ra.
Thúc đẩy đưa công nghệ vào giải quyết những thách thức của nông nghiệp / Khóa học trực tuyến miễn phí về chuyển đổi số: Tìm hiểu về Growth Hacking, Gamification, Blockchain, AI và NFTs
Tại Diễn đàn "Kinh tế số & Thương mại điện tử" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho biết, khảo sát có sự tham gia của hơn 400 DN với mục đích đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của DN và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) để vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Khảo sát có so sánh giữa DN lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Nhận thức của DN về CĐS thay đổi rõ rệt sau Covid-19
Theo đánh giá của ông Lương Minh Huân, bên cạnh những tác động tiêu cực thì Covid-19 là cú huých cho tiến trình CĐS của DN. Trong bối cảnh Covid, các DN đã bắt đầu nhận thức được việc ứng dụng công nghệ số. Kết quả khảo sát chỉ ra rất rõ là, trước khi xảy ra đại dịch, 50,9% DN đã ứng dụng các công nghệ số. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng sau khi Covid xảy ra, 1/4 số DN tham gia khảo sát bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có COVID-19 và có ý định tiếp tục sử dụng. Trong khi đó, 17,3% DN vẫn chưa ứng dụng các công nghệ số nhưng có quan tâm tới việc áp dụng công nghệ số. Điều này cho thấy Covid đã tác động nhanh đến sự thay đổi về nhận thức của DN trong việc ứng dụng công nghệ số.
TS. Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp - VCCI.
Tỷ lệ các DN lớn ứng dụng công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các DNNVV cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19. Cụ thể, hơn 65,7% DN lớn đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19, trong khi đó tỷ lệ này ở DNNVV là 42,4%. 32,% DNNVV cho biết đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở DN lớn là 14,7%.
Tuy nhiên, theo ông Lương Minh Huân, đây mới chỉ là ứng dụng công nghệ số chứ chưa phải là chuyển đổi số, bởi vì hai khái niệm này khác nhau.
Về kỳ vọng của DN trong ứng dụng công nghệ số, kết quả khảo sát cho thấy đa số DN đều kỳ vọng sẽ giảm chi phí, giảm giấy tờ, giảm tiếp xúc trực tiếp với tỷ lệ lần lượt là 71,7%, 61,4% và 53,5%. Trong khi đó, 51% DN kỳ vọng sẽ giúp quản trị kinh doanh hiệu quả, 45,3% DN kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ.
So sánh về kỳ vọng ứng dụng công nghệ số cho thấy DN lớn kỳ vọng cao hơn DNNVV.
Cũng theo kết quả khảo sát, trong các khâu mà DN ứng dụng công nghệ số thì khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng cũng như mang lại sự chuyển đổi lớn nhất cho DN thì DN ứng dụng còn rất hạn chế. Điều này cho thấy, năng lực CĐS của DN vẫn còn vướng mắc ở khâu sản xuất - khâu khó nhất của DN nếu thực hiện được mới thay đổi được toàn bộ quy trình sản xuất.
So sánh giữa DNNVV và DN lớn, đa số DN lớn áp dụng công nghệ số với tỷ lệ cao hơn nhiều so với DNNVV, nhất là liên quan đến khâu sản xuất cũng như quản trị... Trong khi đó, DNNVV dùng mạng XH và marketing nhiều hơn và nhanh nhẹn hơn DN lớn.
Về năng lực chuyển đổi số, ông Lương Minh Huân cho biết, nhóm nghiên cứu đánh giá năng lực của DN thông qua 5 nhóm chỉ số. 1 là chiến lược và văn hóa CĐS thông qua tỷ lệ sản phẩm/dịch vụ được số hóa. 2 là đánh giá mức độ tiếp cận và chăm sóc khách hàng xem DN sử dụng các kênh chăm sóc khách hàng như thế nào. 3 là tỷ lệ số hóa trong giao tiếp và phối hợp giữa các bộ phận. 4 là nguồn lực gồm con người và trang thiết bị về CNTT. 5 là năng lực DN sử dụng phân tích các số liệu thu thập được.
Năng lực CĐS của DN lớn tốt hơn DNNVV.
"Dựa trên 5 chỉ số này, chúng tôi đánh giá nguồn lực năng lực CĐS của DN. Trước Covid, đa số năng lực CĐS của DN rất hạn chế, tỷ lệ ứng dụng các dịch vụ số trong DN đa số đều dưới 10%... Tuy nhiên, sau Covid-19, tỷ lệ năng lực của DN thay đổi rõ rệt. Mặc dù năng lực dưới 10% vẫn còn chiếm đa số nhưng các chỉ số khác đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ứng dụng về CNTT, tiếp xúc các hoạt động chăm sóc khách hàng", ông Huân chia sẻ.
Khi so sánh giữa DNNVV với DN lớn thì rõ ràng năng lực CĐS của DN lớn tốt hơn DNNVV, trong đó rõ nhất về mặt nguồn lực, cũng như khả năng các ứng dụng dữ liệu, thông tin khách hàng...
Những rào cản khi DN CĐS
Theo kết quả khảo sát, rào cản mà nhiều DN quan tâm hàng đầu là chi phí. Các DN cảm nhận chi phí bỏ ra cho CĐS rất là cao trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đa phần đều là DNNVV, quy mô rất nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Rào cản thứ hai là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số. 3 là sự rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp. 4 là thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. 5 là thiếu thông tin về công nghệ số.
Trong khi các DNNVV gặp khó khăn nhiều hơn liên quan đến các vấn đề nguồn lực nội bộ thì các doanh nghiệp lớn lo sợ nhiều hơn đến các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.
"Từ những rào cản này, các cơ quan hỗ trợ DN, cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng trong quá trình CĐS, đặc biệt là các DNNVV", ông Lương Minh Huân cho biết.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, các DN đưa ra một số kiến nghị để thúc đẩy tiến trình CĐS của DN, trong đó tập trung vào 5 vấn đề. 83% DN kiến nghị xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ. Trong khi đó kiến nghị hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân/ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kết nối với các Doanh nghiệp lớn trong nước lần lượt có tỷ lệ là 71%, 67%, 58% và 46%.
Ngoài ra, các DN đề xuất hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt/minh bạch hơn, hài hòa các quy tắc và quy định về công nghệ số trong khu vực ASEAN, tạo thêm cơ hội kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số, cho phép truy cập thông tin trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật số hiện có.
"Có thể nói, Covid-19 là cú huých trăm năm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia", Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Trong khi đó, đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số: sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo