Chuyển đổi số

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% trong DN Fintech không thuộc phạm cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường

DNVN - Trong thông báo phát đi mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán (Fintech), trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường.

Fintech 4.0 ứng dụng công nghệ blockchain vào game online / Petrolimex và Napas hợp tác phát triển thanh toán điện tử tại 2.700 cửa hàng xăng dầu

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo do VCCI tổ chức góp ý vào Dự thảo Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tại mục B. dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác, Việt Nam có cam kết như sau:

Đối với phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (mode 1): cam kết đối với dịch vụ B(k) cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác

Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại (mode 3) VN đã cam kết đối với 11 phân ngành dịch vụ trong lĩnh vực này, trong đó có dịch vụ B(d) mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.

Qua đối chiếu quy định trong nước và các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định dẫn chiếu ở trên, NHNN nhận thấy khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP. Do vậy các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên.

 

Trong hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt do VCCI tổ chức vào ngày 11/12/2019, vấn đề sở hữu nước ngoài tối đa chỉ 49% trong các tổ chức trung gian thanh toán đã làm nóng hội nghị. Nhiều ý kiến cho rằng giới hạn 49% sở hữu nước ngoài sẽ gây khó khăn cho Fintech khi gọi vốn đầu tư, đồng thời quy định này dễ dẫn đến nguy cơ bị khiếu kiện quốc tế do vi phạm các cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, thông báo của NHNN cũng khẳng định, đối chiếu các nội dung quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử (EPS) và các dịch vụ liên quan đến thanh toán tại các cam kết mà Việt Nam có tham gia như Hiệp định WTO, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và điều ước quốc tế về đầu tư khác (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc, giữa Việt Nam và Singapore, …) thì hầu hết các cam kết của Việt Nam có tham gia đều trên cơ sở các nội dung cam kết trong Biểu cam kết WTO của Việt Nam khi gia nhập tổ chức WTO.

Liên quan đến các cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ thanh toán trong khuôn khổ Hiệp định WTO, dịch vụ thanh toán điện tử trong Hiệp định CPTPP, phản hồi lại luồng ý kiến của một số đại diện Hiệp hội ngành nghề, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có vốn nước ngoài, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trên cơ sở rà soát và tham vấn một số Bộ, ngành liên quan về vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, như đã nhiều lần khẳng định và thể hiện rõ trong Hồ sơ dự thảo Nghị định, dịch vụ trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh, an toàn trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Do đó một trong các điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng để được cấp Giấy phép là tỷ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức trung gian thanh toán, quy định này được đề ra nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng góp phần phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền nhằm tạo sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ, NHNN đã dự kiến trình tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư tối đa là 30%, tuy nhiên, trong quá trình lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện một số tổ chức có liên quan, NHNN đã tiếp thu và nâng tỷ lệ góp vốn lên tối đa là 49% như tại dự thảo mới nhất. Như vậy, tỷ lệ này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng mà vẫn tranh thủ thu hút được vốn nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

 

NHNN cam kết đảm bảo Việt Nam sẽ tuân thủ cam kết quốc tế trong các Hiệp định liên quan như WTO, CPTPP có nội dung liên quan đến dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và sẽ tiếp tục rà soát các quy định có liên quan về dịch vụ thanh toán tại Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại song phương với một số nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm