Chuyển đổi số

Ứng dụng 4.0 trong ngành bảo hiểm: Thách thức lớn nhất là con người vận hành lại đang ở 0.4

DNVN – Muốn tồn tại và phát triển thì các doanh nghiệp bảo hiểm phải ứng dụng công nghệ 4.0. Song con người là thách thức lớn nhất trong tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chuyển đổi số là 4.0 trong khi con người vận hành lại đang ở 0.4, để thành công được là một thách thức vô cùng lớn.

Sử dụng bảo hiểm điện tử khi tham gia giao thông thế nào? / Doanh nghiệp bảo hiểm sớm ứng dụng AI tăng lợi nhuận thêm 5% so với mặt bằng chung

Bảo hiểm trực tuyến đạt doanh thu rất thấp

Thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rất năng động với tốc độ tăng trưởng hàng năm đều đạt 2 con số từ 25-30%/ năm. Tính đến thời điểm hiện tại thì mới chỉ có khoảng 12% doanh số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và IDG Vietnam phối hợp tổ chức chiều 7/10, bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bảo hiểm đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Tuy nhiên, thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm trực tuyến của Việt Nam còn rất thấp. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu của bảo hiểm trực tuyến chiếm chưa đến 1%. Còn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm trực tuyến chiếm chưa đến 5% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 chính là tác nhân gia tăng nhu cầu chuyển đổi số ở tất cả lĩnh vực trong đó có bảo hiểm. Từ những thay đổi về nhu cầu và thói quen của khách hàng, phải làm việc từ xa, mua sắm online … cùng với vô vàn những rủi ro về sức khỏe và tài chính do dịch bệnh gây ra, ý thức của người dân được tăng lên chính là động lực để có thể khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặc dù có con số tăng trưởng hàng năm tương đối tốt, tuy nhiên, các chuyên gia và cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng, việc chuyển đổi số doanh nghiệp bảo hiểm là vấn đề cấp thiết và sống còn để có thể tồn tại được trong môi trường đầy cạnh tranh.

Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn đang gặp nhiều thách thức, khó khăn và còn tồn tại rất nhiều hạn chế.

Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn đang gặp nhiều thách thức, khó khăn và còn tồn tại rất nhiều hạn chế.

Những thách thức trong chuyển đổi số ngành bảo hiểm

Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, hiện nay một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh nên khi đầu tư cho công nghệ mới chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn nhiều hơn là chiến lược dài hạn Các doanh nghiệp này thường chỉ chuyển đổi số một số công đoạn đòi hỏi đầu tư ít, không có tính hữu ích và cạnh tranh trong dài hạn.

Nói về vấn đề này, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), hơn bao giờ hết các doanh nghiệp bảo hiểm cần được số hóa vì thị trưởng bảo hiểm đang gặp nhiều khó khăn về các kênh phân phối, khó tiếp cận khách hàng tiềm năng hơn so với các kênh online áp dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, việc số hóa còn giúp các doanh nghiệp giảm thiểu sự cồng kềnh, chậm chạp trong vận hành bộ máy.

Ông Nam cũng cho rằng con người là thách thức lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chuyển đổi số là 4.0 trong khi con người vận hành lại đang ở 0.4, để thành công được là một thách thức vô cùng lớn.

“Muốn tồn tại lâu dài và phát triển trong tương lai ở những môi trường cạnh tranh thì các công ty bảo hiểm nhất định phải áp dụng công nghệ 4.0 ”, ông Nam khẳng định.

Còn theo ông Đỗ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas cho biết, trong quá trình chuyển đổi số các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có 3 khó khăn lớn nhất đó là: Doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó trong việc cân đối lộ trình chuyển đổi số sao cho phù hợp, từ đó đưa ra những kế hoạch về chi ngân sách, thứ tự ưu tiên để tối ưu và bầu ra “kiến trúc sư trưởng” cho dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai đó là việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số phù hợp, dùng đội ngũ có sẵn của doanh nghiệp hay thuê ngoài. Đa số các doanh nghiệp đều có nguồn lực IT (công nghệ thông tin) giới hạn và đều đau đầu trong việc tìm được những nhân tài về lĩnh vực này để triển khai.

Khó khăn thứ ba là việc tìm ra giải pháp để có thể nâng cao tốc độ làm sao để doanh nghiệp đi được nhanh hơn so với hệ thống trước đây.

Bà Phạm Thu Phương cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi với nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số như: Định rõ nguyên tắc bán bảo hiểm online đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo mật thông tin khách hàng; đơn giản hóa tối đa thủ tục phê chuẩn, đăng ký sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, để vừa trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, vừa giúp họ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hình thành cơ chế kết nối dữ liệu với các ngành khác để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng.

Có thể nói, dù là trong lĩnh vực nào thì chuyển đổi số cũng luôn gặp những khó khăn, trở ngại đòi hỏi sự kiên định, đầu tư nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có những tầm nhìn và định hướng đúng tầm quan trọng và tất yếu của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã bước đầu hình thành được hệ sinh thái, đã có những kết quả trong việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; nâng cao khả năng thích ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và là cú hích cho chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm