Chuyển đổi số

VECOM: Hợp tác đào tạo thương mại điện tử còn mờ nhạt

DNVN - Kết quả khảo sát về đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại các trường đại học năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện ghi nhận những bước tiến lớn. Tuy vậy, các trường vẫn đối mặt với nhiều thách thức, việc hợp tác đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức.

Tăng giá cước, Grab vẫn lỗ / NAPAS kỳ vọng hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp

Những bước tiến lớn
Tại Lễ công bố Báo cáo "Đào tạo thương mại điện tử tại các trường Đại học 2022" do VECOM sáng 24/8 tại Hà Nội, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch VECOM khẳng định: Việc nắm bắt chính xác hiện trạng đào tạo TMĐT tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường Đại học, có ý nghĩa quan trọng khi triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.
Do đó, từ tháng 3- 5/2022, VECOM đã tiến hành khảo sát 132 trường Đại học trên cả nước nhằm thu thập thông tin toàn diện hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch VECOM đánh giá cao kết quả khảo sát thực trạng đào tạo TMĐT tại các trường Đại học.
Thông tin về kết quả khảo sát tiến hành trong nửa đầu năm 2022, ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký VECOM cho biết: Trong số 132 trường Đại học tham gia đã có 36 trường đào tạo TMĐT trình độ đại học, trong đó 14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam.
Đồng thời có 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT và trên 50 trường đào tạo học phần TMĐT. Tính chung đã có trên 110 trường giảng dạy TMĐT từ mức học phần tới ngành đào tạo.
Đội ngũ giảng viên TMĐT của các trường đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.
Việc tuyển sinh thuận lợi do ngành mới này hấp dẫn, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường.
Phần lớn các trường được khảo sát đã giảng dạy các học phần liên quan trực tiếp tới TMĐT như tiếp thị số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng...
Chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế - thương mại giảng dạy ngành này.
"Nhiều bước tiến lớn khác được thể hiện qua cuộc khảo sát liên quan tới chương trình đào tạo, học liệu, nghiên cứu khoa học, thực tập - kiến tập và hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo TMĐT…", ông Trần Văn Trọng nói.
Còn nhiều thách thức
Tuy có những bước tiến lớn, nhưng thực tế các trường đại học còn đối mặt nhiều thách thức cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.
Những thách thức có kể đến như đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Trong khi đó số lượng giảng viên có học vị Tiến sĩ không thể tăng nhanh. Ngoài ra, giảng viên TMĐT phải liên tục cập nhật sự thay đổi mau lẹ của công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các mô hình, giải pháp kinh doanh trực tuyến mới.

Theo ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký VECOM, các trường đại học còn đối mặt nhiều thách thức cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT.
Học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như TMĐT, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh.
Trong khi đó, hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với DN.
"Mặc dù càng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động hợp tác được các trường quan tâm hơn, đặc biệt giữa các trường với doanh nghiệp nhưng rõ ràng các trường cần chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động này", Tổng Thư ký VECOM nhận định.
Các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn. Hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học TMĐT chưa mạnh mẽ...
Cần sớm lập Mạng lưới các trường đào tạo TMĐT
Từ thực tế trên, các trường tham gia khảo sát ủng hộ ba đề xuất lớn. Đó là cần nhanh chóng thành lập Mạng lưới các trường Đại học đào tạo TMĐT. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh số cho giảng viên giảng dạy TMĐT. Mong muốn phối hợp với VECOM tổ chức các chương trình đào tạo cho sinh viên, gắn hoạt động đào tạo với thực tiễn kinh doanh.
Ngoài những đề xuất này, VECOM cho rằng cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo TMĐT. Tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên TMĐT. Nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT. Đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành TMĐT. Chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm