Chuyển đổi số

Xác thực tài khoản ví điện tử có sợ lộ lọt thông tin người dùng?

DNVN - Hiện tại, nhiều ví điện tử liên tục gửi thông báo yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin về ảnh chân dung, CMTND hoặc hộ chiếu, hạn chót tới 7/7/2020 là các ví điện tử phải xác thực thông tin chủ ví. Vậy người dùng sẽ được hưởng lợi gì khi xác thực tài khoản ví điện tử và thông tin cá nhân của họ sẽ được bảo mật như thế nào?

Covid-19: Thương mại điện tử và giao dịch qua ví điện tử tăng đột biến / Ví điện tử đồng loạt yêu cầu người dùng gửi ảnh chân dung

Tại sao phải xác thực tài khoản ví điện tử?

Việc cập nhật và xác thực thông tin người dùng được thực hiện theo quy định của Thông tư 23/2019/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Quy định mới yêu cầu khách hàng muốn sử dụng phải hoàn tất xác thực thông tin mở ví điện tử. Thông tin cụ thể gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số CMTND hoặc hộ chiếu. Các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng là đầy đủ và hợp lệ.

Một quy định bắt buộc khác là khách hàng phải hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Người dùng có thể được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết. Thông tư 23 có hiệu lực từ tháng 1/2020 và thời hạn cuối cùng để người dùng xác thực thông tin ví điện tử là 7/7/2020.

Nhiều khách hàng đặt câu hỏi rằng việc xác thực tài khoản ví điện tử sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. Thực tế đã chứng minh nguy cơ lớn nhất khi giao dịch trong không gian mạng là sự ẩn danh. Trong khâu thanh toán cũng vậy, nếu không xác định được danh tính của chủ ví thì khi có sự cố xảy ra bên cung cấp dịch vụ rất khó bảo vệ quyền lợi người dùng. Khi người dùng định danh mình là chủ tài khoản, nếu có phát sinh giao dịch không chính chủ, các ví điện tử có thể hỗ trợ truy cứu giao dịch tốt hơn, hạn chế được các hành vi tội phạm, gia tăng tính bảo mật.

Ngoài ra, việc hoàn tất xác thực thông tin người dùng đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. Theo quy định của NHNN, sau ngày 7/7/2020, những tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa dịch vụ. Chủ sở hữu ví điện tử có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn tất việc xác thực. Tiền trong ví điện tử của khách hàng được bảo toàn, hoặc dễ dàng rút về tài khoản ngân hàng liên kết.

Có nguy cơ lộ lọt thông tin người dùng không?

Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, việc xác minh danh tính chủ Ví nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, giả mạo, lừa đảo..., bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nâng cao trách nhiệm của tổ chức trung gian thanh toán trong quá trình mở và sử dụng dịch vụ Ví điện tử. Các tổ chức trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Hầu hết các ví điện tử lớn trên thị trường đều đã áp dụng các công nghệ bảo mật để bảo vệ tài khoản của người dùng. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại việc xác thực thông tin cá nhân ngụy tạo bằng cách chụp CMTND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người khác đưa lên, thậm chí có thể quay video mặt người giả làm chủ tài khoản ví điện tử để đối phó.

Tuy nhiên, theo một vị chuyên gia, khách hàng không cần lo lắng điều này vì mọi quy trình xác thực từ xa danh tính cá nhân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều có yêu cầu chụp hình trực tiếp mặt người chủ tài khoản hoặc quay video trực tuyến. Khi đó, hệ thông công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đã ghi nhận và phân tích khuôn mặt người trực tiếp nên dù có dùng hồ sơ giả mạo cũng không vượt qua được bước cuối cùng livestream trực tuyến.

Theo đại diện Ví điện tử MoMo, MoMo cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin, hình ảnh CMTND/Căn cước công dân/ Hộ chiếu mà người dùng đã cung cấp. Thông tin chỉ được sử dụng để xác thực tài khoản theo quy định của NHNN. Chính sách quyền riêng tư của MoMo đảm bảo sử dụng thông tin thu thập được để cung cấp dịch vụ, tính năng, chương trình khuyến mại, tăng cường bảo mật; hỗ trợ khi chính khách hàng yêu cầu và phục vụ các mục đích liên quan đến thủ tục pháp lý. Ngoài ra, Ví MoMo còn tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất trong ngành tài chính ngân hàng quốc tế như PCI DSS, bảo vệ đường truyền…

Giải đáp về tính bảo mật khi người dùng ví điện tử chia sẻ thông tin cá nhân trên ứng dụng, phía NHNN thông tin: Đối với lo ngại về bảo vệ thông tin cá nhân, NHNN khẳng định rằng các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Luật An toàn thông tin mạng).

Các tổ chức trung gian thanh toán phải tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet (Thông tư số 39/2014/TT-NHNN, Thông tư số 18/2018/TT-NHNN, Thông tư số 18/2018/TT-NHNN). NHNN sẽ thường xuyên giám sát, cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán thực hiện những biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trung gian thanh toán.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm