Đà Nẵng: Lao động mất việc, doanh nghiệp mất thị trường do vi phạm hợp đồng
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Một công nhân dương tính sau 1 tuần tiêm vaccine phòng COVID-19
Sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng giảm sút mạnh
Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với một số địa phương về tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp phục hồi hoạt động của các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao và Cụm công nghiệp.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, việc quy định DN chỉ được hoạt động tối đa 30 hay 50% lao động chỉ có "ý nghĩa" đóng bớt dây chuyền sản xuất, người lao động mất việc là, DN không đảm bảo đơn hàng...nhưng lại không có ý nghĩa về giãn cách chống dịch!
Năm 2020, doanh nghiệp (DN) trong các Khu chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu và 70% kim ngạch nhập khẩu của Đà Nẵng, nộp ngân sách chiếm 23% toàn TP. 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu sản xuất công nghiệp là 19.583,722 tỷ đồng; xuất khẩu 522,377 triệu USD (chiếm 64,85% toàn TP); nhập khẩu 413,020 triệu USD (chiếm 64,17% toàn TP); nộp ngân sách 2.524,149 tỷ đồng (chiếm 23,57% toàn TP).
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch COVID-19 trở lại và lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đà Nẵng, buộc chính quyền TP phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg trong việc phong tỏa, giãn cách và cách ly trên toàn địa bàn để sớm kiểm soát dịch theo chủ trương “ai ở đâu ở yên đó”.
Theo đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ được hoạt động với tối đa 50% số lao động. Đặc biệt, trong khoảng 3 tuần thực hiện cách ly xã hội trong tháng 8 và đầu tháng 9, các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các Khu phải thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” với tối đa 30% lao động.
Do vậy, trong các Khu chỉ có 179 dự án hoạt động với 15.075 lao động, giá trị sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 14 - 30%, công suất hoạt động chỉ đạt 15 - 30% so với bình thường. Kéo theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của Đà Nẵng dự kiến giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ 2020.
Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện phòng, chống dịch còn tùy tiện, không có căn cứ cơ sở khoa học
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) cho rằng một số địa phương đưa ra quy định DN chỉ được hoạt động tối đa 30 hay 50% số lao động để phòng, chống dịch là còn khá tùy tiện, chứ không căn cứ theo một cơ sở khoa học hay thực tiễn nào.
“Có mấy phần trăm cũng vậy thôi, vì vị trí làm việc của người lao động gắn với thiết bị, với dây chuyền. Do vậy, việc một số địa phương quy định DN chỉ được hoạt động 30% hay 50% lao động không có ý nghĩa về giãn cách chống dịch mà chỉ là mệnh lệnh hình thức, nhưng lại khiến người lao động mất việc làm, hoạt động sản xuất của DN bị trở ngại, ách tắc!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.
Báo cáo tham luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 20/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho rằng, việc giảm số lao động làm việc khiến hoạt động sản xuất của nhiều DN bị trở ngại, chậm giao hàng, vi phạm hợp đồng nên nguy cơ phải đền bù nếu không kịp thời khắc phục. Chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu bị gián đoạn, có khả năng mất thị trường do khách hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
“Nếu tiếp tục trong tình trạng như vậy, nhiều DN có thể dẫn đến đóng cửa hoàn toàn và giải thể. Hàng hóa bán ra chậm do lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và tăng mạnh chi phí sản xuất!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Bên cạnh đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” làm tăng chi phí gấp nhiều lần nhưng năng suất lao động thấp do số lượng lao động tại các công đoạn thiếu hụt; thiết bị máy móc bị hư hỏng không thể thay thế; việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và chăm lo về tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho người lao động ở “3 tại chỗ” trong thời gian dài rất khó khăn. Chi phí xét nghiệm định kỳ cho người lao động cũng làm tăng thêm gánh nặng chi phí của DN.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đối với các DN không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” thì phải tạm dừng sản xuất, không có doanh thu song vẫn phải trả tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản cố định và phải hạn chế tối đa chi phí hoạt động, trong đó có cả chi phí hỗ trợ lương cho người lao động… Từ đó dẫn đến khó khăn lớn cho DN trong việc duy trì hoạt động và đảm bảo đời sống cho người lao động.
“Trong bối cảnh TP có các chủ trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất nhằm hạn chế tình trạng lây lan trong cộng đồng, một số bộ phận người lao động phải nghỉ việc, không có thu nhập, hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt là các trường hợp không có giao kết hợp đồng lao động!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo