Doanh nghiệp - Doanh nhân

Founder Homestay A Ngưi Kbang: Làm du lịch cộng đồng để “trả nghĩa” buôn làng

DNVN – Với A Ngưi, làm du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là khai thác tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên, mà phải gắn với cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, để mang đến một không gian văn hoá độc đáo, sống động, quyến rũ du khách thập phương. Đó cũng là cách để chàng trai Bana “trả nghĩa” với buôn làng Tây Nguyên.

Lâm Đồng: Lữ hành bán nhà đền tour, chế biến nông sản quá tải kho chứa do Covid-19 / Thác Phú Cường - “Dải lụa” của núi rừng Gia Lai

Chuyện về chàng trai 8X Đinh A Ngưi (đồng bào Bana, ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), tiên phong mở Homestay, kết hợp với du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ đồng bào nghèo ở địa phương, đã được nhắc nhiều ở các diễn đàn khởi nghiệp du lịch. Tuy nhiên, với A Ngưi, làm du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là khai thác tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên để kiếm tiền, mà phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Người sáng lập (Founder) Homestay A Ngưi Kbang đã dành cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc trò chuyện thú vị.

Chào A Ngưi! Đang là một cán bộ văn hoá, vậy đâu là động lực thôi thúc anh mở homestay rồi làm du lịch cộng đồng?

Anh Đinh A Ngưi: Bản thân mình là người đồng bào Bana, sinh ra và lớn lên từ làng nên yêu da diết mảnh đất quê hương xứ sở, con người nơi đây. Từng theo học Đại học Văn hoá TP. HCM, công tác tại Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện Kbang (Gia Lai) từ năm 2008 đến nay, nên mình càng có điều kiện để trau dồi thêm vốn kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia, tài liệu sách báo, nghệ nhân, già làng, trưởng bản... Quả là nơi đây chứa đựng cả một kho tàng văn hoá đồ sộ, nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một, nếu không có biện pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Hơn nữa, thấy cuộc sống của đồng bào mình còn nhiều khó khăn, quanh năm gắn với cái nương, cái rẫy mà thu nhập chẳng là bao. Trăn trở về điều đó, thế là sau một thời gian “ấp ủ”, năm 2019, mình mạnh dạn vay vốn xây dựng Homestay A Ngưi Kbang với 4 phòng ngủ, 1 phòng sinh hoạt chung, gắn với du lịch cộng đồng, phát huy các sinh hoạt văn hoá đặc thù, giúp bà con có công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

_

Đinh A Ngưi, người sáng lập mô hình Homestay A Ngưi Kbang gắn với du lịch cộng đồng.

Mảnh đất Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung là nơi lưu giữ kho tàng đồ sộ về vốn văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, như: Sử thi, cồng chiêng, thổ cẩm, đan đát, rượu cần, nhà sàn... Nhưng theo thời gian, nếu chúng ta không có biện pháp gìn giữ và quảng bá thì những vốn quý ấy sẽ đứng trước nguy cơ mai một.

Với mình, làm du lịch ở Tây Nguyên thì phải gắn với cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết, cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc; có như thế mới phát triển bền vững và tạo nên sức lan toả mạnh mẽ.

Do đó, trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, mình luôn nỗ lực tạo nên những sản phẩm du lịch tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng đồng thời cũng luôn ý thức về việc giữ gìn cái cốt cách, tinh thần của đồng bào mình, để tạo nên bản sắc đặc trưng không hoà lẫn vào đâu được.

Thế mạnh là người sinh ra từ làng, nhưng “tay ngang” khởi nghiệp du lịch chắc cũng lắm chông gai, thưa anh?

Đúng vậy. Có lẽ khó khăn nhất đối với mình là về vấn đề tài chính và tư duy bà con. Đa số họ là người đồng bào nên việc tiếp cận, nắm bắt được “dòng chảy” thời gian, “hơi thở” cuộc sống vẫn còn chậm so với mức độ thay đổi chóng mặt của thế giới phẳng. Nhưng mình vẫn kiên trì thuyết phục, giúp họ hiểu và đồng hành, cùng chung tay xây dựng du lịch cộng đồng, từ già đến trẻ, ai cũng hào hứng tham gia.

_

Du khách nước ngoài rất yêu thích mô hình du lịch cộng đồng của A Ngưi Kbang.

Mình và các cộng sự bắt đầu mở chương trình tour trekking khám phá, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo bạn bè và du khách đến với A Ngưi Kbang. Có hôm cuối tuần, homestay của mình đón tiếp hàng chục đoàn khách, trong đó có nhiều khách quốc tế. Đó là động lực “tiếp lửa” để mình thực hiện hoài bão ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Từ đó, tích luỹ, cộng thêm nguồn vốn vay để xây dựng và mở rộng homestay thêm: 2 căn nhà sàn lớn, 3 chòi, 3 đội cồng chiêng, 1 đội hoà tấu nhạc cụ. Dường như mình huy động hết cả làng cùng tham gia, kèm theo các chế độ ưu đãi, phân công mỗi gia đình, mỗi thành viên một việc, chẳng hạn như: Người đan đát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, chơi đàn Tơ-rưng, cung cấp lương thực, thực phẩm... Do đó, mỗi lần có du khách đến, mình huy động là bà con một lòng chung tay góp sức và ngày càng chuyên nghiệp.

Cách trung tâm TP. Pleiku ngót nghét cả trăm cây số, vậy có gì đặc sặc để du khách khi đến Gia Lai phải đến với A Ngưi Kbang?

Đến với A Ngưi Kbang, du khách sẽ được hoà mình vào thiên nhiên, với những cảnh sắc nên thơ hùng vĩ của những cánh rừng bạt ngàn màu xanh; những ngôi nhà sàn ẩn hiện đằng sau những dãy núi nhấp nhô trong làn sương là là tầng mây; những thác nước 50, Kon Bông, Kon Lok bọt tung trắng xoá; những dòng suối trong veo róc rách đêm ngày; hoà cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Tơ-rưng réo rắt bên ngọn lửa bập bùng... Tất cả tạo nên một bản tình ca độc đáo của miền sơn cước, quyến rũ trái tim bao người.

 

_

Đến với khu du lịch cộng đồng A Ngưi Kbang, du khách sẽ được hoà mình vào không gian văn hoá Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hương vị tươi ngon, tự nhiên, đậm đà của các món ăn đồng bào bản địa, như: Cơm lam, gà nướng, trâu gác bếp, cá sấu nướng, heo một nắng, cá lóc xiên que chấm muối kiến... cùng ché rượu cần nồng nàn, xao xuyến.

Ngoài ra, du khách còn được tham gia tour trekking khám phá núi rừng và khám phá chính bản thân mình. Đồng thời còn được chia sẻ các kỹ năng sinh tồn, được nếm thử những loại hoa quả, lá cành, cây thuốc dân gian có tác dụng trị bệnh hoặc chữa rắn rít, côn trùng cắn...

 

Đặc biệt, khách quốc tế lại có nhã hứng được nghe các nghệ nhân hát sử thi, tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm, đan đát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ, xem biểu diễn cồng chiêng...

Nói chung, A Ngưi Kbang đều “làm tròn” nhiệm vụ, mang đến những trải nghiệm thú vị, đặc sắc và ấn tượng nhất dành cho du khách. Đó cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá đồng bào Bana nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

_

Đến với A Ngưi Kbang, du khách cũng rất thích thú với các tour trekking khám phá, hoà mình với thiên nhiên.

Thu hút bởi chính sự dân dã, hồn nhiên, mộc mạc chân tình của đồng bào bản địa, nên chỉ sau gần một năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng của A Ngưi đã thu hút gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước tham quan. Thời điểm Tết Nguyên Đán 2020 đến trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Homestay A Ngưi Kbang luôn duy trì khoảng 500-700 lượt khách trong và ngoài nước đến từ Hà Nội, Nha Trang, TP. HCM...

 

A Ngưi Kbang dần trở thành “ngôi nhà chung”, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 người dân địa phương. Mùa cao điểm, tăng lên hàng 100 người, để phục vụ cho đội văn nghệ, nghệ nhân hát sử thi, điều hành tour và đội ngũ đầu bếp... giúp khách trải nghiệm không gian văn hoá Tây Nguyên một cách chân thực, gần gũi và sống động nhất.

Với phương châm lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi, đã giúp các hộ dân liên kết với du lịch A Ngưi Kbang có thu nhập ổn định, dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/người/ngày.

Covid-19 là nỗi lo của ngành dịch vụ, du lịch trong thời gian qua, vậy anh và cộng sự đã có những giải pháp như thế nào?

Do tác động của Covid-19 lượng khách có giảm sút so với trước, nhưng đó không phải là “chướng ngại” lớn đối với mô hình du lịch A Ngưi Kbang. Bởi mình luôn lạc quan “trong nguy có cơ” nên luôn bình tĩnh tìm cách tháo gỡ khó khăn và hướng đi mới.

Trong thời điểm này mình chú trọng xây dựng và đào tạo nâng cao sự chuyên nghiệp cho đội ngũ. Đồng thời, thu hút khách du lịch nội địa bằng nhiều hình thức quảng bá đa dạng, kèm theo các gói kích cầu du lịch, kết hợp các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách, như: Trang bị khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, phân chia, rải đều lượng khách, hạn chế tập trung trên 30 người...

 

_

Homestay A Ngưi Kbang với kiến trúc nhà sàn độc đáo lung linh về đêm.

Đây cũng là dịp để mình nạp thêm năng lượng, lên kế hoạch tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh bạn, nhất là khu vực Tây Bắc để tìm hiểu, học hỏi và rút kinh nghiệm về kiến trúc, không gian, cách thức tiếp đón, bố trí... Tây Bắc có nhiều điểm tương đồng với Tây Nguyên về điều kiện khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, nhiều cảnh sắc nên thơ hùng vĩ, hội tụ nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tạo nên một bức tranh đa dạng sắc màu văn hoá đặc trưng...

Mình luôn ý thức là phải tự vận động sức mạnh nội lực để tồn tại và phát triển chứ không ỷ lại hoặc trông chờ quá nhiều vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Do đó, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Homestay A Ngưi Kbang vẫn duy trì hoạt động và đời sống bà con nơi đây vẫn ổn định.

 

Anh có thể chia sẻ thêm về những dự định sắp tới của mình?

Theo kế hoạch, đáng lý ra, trong năm 2020, A Ngưi sẽ đầu tư khoảng trên 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một số homestay cao cấp, đầy đủ tiện nghi hơn, để phục vụ cho đối tượng khách cao cấp, nhưng do dịch Covid-19 nên kế hoạch tạm hoãn lại.

Đồng thời, mình cũng đang ấp ủ dự định sẽ kết hợp với một số bạn có cùng đam mê, tạo nên những “cánh tay nối dài”, mở rộng mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều vùng miền, tạo thành chuỗi liên kết du lịch “Tây Nguyên mảnh đất mơ tưởng”.

Du khách hoà mình vào không gian văn hoá cộng đồng khi đến Homestay A Ngưi Kbang

 

Với mình, “mơ tưởng” ở đây không phải là mơ về những điều huyễn hoặc mà là mơ về những điều tốt đẹp hiện hữu trong tương lai – hiện tại – quá khứ, tìm về nguồn cội văn hoá đậm đà bản sắc sử thi huyền thoại hào hùng của quê hương xứ sở, đồng bào. Để từ đó biết trân quý, giữ gìn, phát huy, hướng đến mục đích tốt đẹp, chan chứa tình yêu thương, gắn kết trái tim bao người.

Mình cũng hy vọng trong thời gian tới, mô hình du lịch cộng đồng của mình, cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp khác, sẽ được sự quan tâm, trợ giúp của chính quyền địa phương, để tạo sức lan toả mạnh mẽ hơn nữa. Để ngày càng có nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm về cội nguồn, hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã dày công vun đắp và gìn giữ tự bao đời nay.

Cảm ơn A Ngưi về cuộc trò chuyện thú vị này!

Tâm An (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm