Hỗ trợ doanh nghiệp

'Soi sức khỏe' doanh nghiệp hậu COVID-19

Tuy có nhiều tín hiệu lạc quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để hóa giải thách thức này đòi hỏi sự hỗ trợ nhanh chóng từ phía Nhà nước và nỗ lực tự thân của chính doanh nghiệp.

RCEP tác động thế nào đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? / Hàng tỷ USD sẽ được rót vào khởi nghiệp sáng tạo

Số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong tháng 11 tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 4.965,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 44,4 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Tinh-hinh-hoat-dong-DN-9437-1606726022.p

Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể vẫn tiếp tục tăng.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hương Sen, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn với cộng đồng DN. Nhiều DN gặp khó khăn buộc phải dừng hoạt động hoặc một phần sản xuất. Đến giờ phút này, những DN còn hoạt động đã chứng tỏ bản lĩnh vượt khó của mình.

Hiện, đa phần DN đang dốc sức sản xuất kinh doanh gấp 2 - 3 lần để bù đắp khoảng suy giảm trong thời gian đầu năm 2020, cũng như chuẩn bị tâm thế để phát triển trong năm 2021.

Tuy nhiên, ông Vẻ cũng cho rằng, sau đại dịch COVID-19, mọi thứ đã khác, như thói quen tiêu dùng, phương thức bán hàng... thay đổi. Điều này đòi hỏi DN muốn tồn tại và phát triển cũng cần chuyển tư duy, suy nghĩ sang một giai đoạn mới. DN cần tập trung vào phát triển sản phẩm, mẫu mã, giảm giá thành...

"Chúng ta đang nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thực tế nhiều nước trên thế giới đã đi tới công nghiệp 5.0. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh, DN Việt Nam vốn nhỏ bé thì cần liên kết với nhau để xây dựng chuỗi sản phẩm", ông Vẻ chia sẻ.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình kiến nghị: Nhà nước cần phải rà soát lại các dự luật bất hợp lý, làm một luật sửa nhiều luật. Ví dụ, Luật Đất đai cần phải sửa đổi bởi thủ tục giải phóng mặt bằng khiến nhiều DN gặp khó khăn, không thể mở rộng đầu tư.

 

Ông Vẻ nhấn mạnh: "Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nguyện vọng mà DN tha thiết mong muốn Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian tới".

Hỗ trợ 'đúng, trúng và minh bạch'

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty giày Nguyên Nguyên Phước cho biết, sau nhiều tháng gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ giữa tháng 9/2020, các đối tác từ châu Âu bắt đầu nối lại việc đặt hàng. Tuy vậy, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình phục hồi, số lượng đơn hàng chỉ mới đạt hoảng 60 -70% so với cùng kỳ năm trước do các nhà nhập khẩu vẫn đang dự báo nhu cầu thị trường sau dịch. Chỉ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn thì khả năng phục hồi mới được đẩy nhanh hơn. Vì vậy, DN vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Nhìn nhận đây là giai đoạn phục hồi của ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất giảm thuế thu nhập DN từ 10% xuống 5%. "Trước đây, ngành du lịch có thị trường quốc tế, nay còn mỗi thị trường nội địa, dự báo tình hình sắp tới vẫn còn khó khăn. Do vậy, DN mong muốn được giảm thuế để dành nguồn lực cho kế hoạch phục hồi sau đại dịch", ông Kỳ nói.

Đồng thời, ông Kỳ kiến nghị cần gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, cũng như gia hạn 12 tháng đối với tiền thuê đất của các DN lữ hành.

 

Trước khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, Chính phủ cần phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới, hay còn gọi là hỗ trợ lần thứ 2. Tuy vậy, chính sách hỗ trợ lần này cần đảm bảo thực thi "nhanh, đúng và minh bạch".

Theo ông Thành, bên cạnh nỗ lực giúp DN và người lao động vượt bão dịch với quy mô đủ lớn (dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn), tính ít nhất cho cả năm 2021, gói hỗ trợ lần 2 phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng phát triển (công nghệ, nhất là chuyển đổi số, kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư)... Mục tiêu là vừa cố gắng giúp giảm thiểu khó khăn cho DN, vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.

Vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, nhưng ông Thành cho rằng dù như thế nào, nỗ lực của bản thân DN vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ là cách ứng phó với khủng hoảng, mà còn là phục hồi và bứt phá khi dịch qua đi.

"Thảm họa COVID-19 là biến cố không ai mong đợi. Song đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và DN Việt Nam. DN cần xem cú sốc COVID-19 là cơ trong nguy để xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Có thể nói đây chính là thời điểm tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại gắn với việc nhận diện xu thế, định vị thị trường, đối tác, xác định cách thức chuyển đổi số, nâng cấp quản trị...", ông Thành phân tích.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm