Hỗ trợ doanh nghiệp

RCEP tác động thế nào đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương?

DNVN - Hiệp định RCEP sẽ giảm đáng kể thuế quan và thương mại liên quan trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp và thương mại. Với việc 15 nước tham gia RCEP chiếm 30% dân số (khoảng 2,1 tỷ người) hơn 1/4 GDP toàn cầu, nhiều chuyên gia dự báo RCEP có thể là sự khởi đầu của Kỷ nguyên châu Á, thậm chí là định hình kinh tế và chính trị toàn cầu.

Kết thúc đàm phán RCEP không có Ấn Độ / Lý do khiến Ấn Độ không tham gia RCEP

Mục tiêu của RCEP
Ngày 15/11/2020, 15 quốc gia - gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Như vậy RCEP sẽ bao gồm các cường quốc kinh tế mới nổi ở một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới là châu Á - Thái Bình Dương. Việc tham gia hiệp định sẽ giúp các quốc gia này có điều kiện thúc đẩy kinh tế.
Mục tiêu của hiệp định là một môi trường thuận lợi cho thương mại tự do, không có mọi rào cản bảo hộ, giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu sản phẩm ở bất kỳ đâu trong khối 15 quốc gia mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt đối với từng quốc gia tham gia.
Ngày 15/11, 15 nền kinh tế trong khu vực châu Á ký thỏa thuận thành lập liên minh thương mại lớn nhất thế giới.

Ngày 15/11, 15 nền kinh tế trong khu vực châu Á ký thỏa thuận thành lập liên minh thương mại lớn nhất thế giới.

Định nghĩa lại sự cạnh tranh
RCEP đặt ra một cách hiệu quả các quy tắc thương mại mới cho khu vực, ảnh hưởng hiệu quả đến các quy định và quyết định thương mại ở mỗi quốc gia tham gia. Đồng thời, mỗi quốc gia trong RCEP có giai đoạn phát triển kinh tế xã hội khác với các nước khác.
Do hiệp định khuyến khích cạnh tranh vốn là đặc điểm chính của các hiệp định thương mại tự do, nên hàng hóa từ Lào hoặc Campuchia giờ đây sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ Nhật Bản hoặc Australia. Do đó, RCEP cũng có thể là một bài kiểm tra năng lực sản xuất trong nước và năng lực thương mại của mỗi quốc gia. Có thể thấy, Trung Quốc có ưu thế trong vấn đề này.
Hầu hết các đối tác RCEP đều có các hiệp định thương mại song phương giữa các bên. Tuy nhiên, khi nói đến một thỏa thuận thương mại bao gồm gần như toàn bộ khu vực, RCEP có vai trò lớn hơn trong những năm tới.
Sự vắng mặt đáng chú ý của Ấn Độ
Mặc dù hiệp định ban đầu được đề xuất năm 2012 cũng bao gồm Ấn Độ, nhưng New Delhi đã quyết định không tham gia RCEP vào tháng 11 năm ngoái, do lo ngại về khả năng cạnh tranh quốc tế đối với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc và các sản phẩm sữa từ Australia và New Zealand. Chính phủ Ấn Độ đã chịu nhiều áp lực từ các nhà sản xuất, nông dân và thương nhân khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, Ấn Độ có một hiệp định thương mại tự do đang hoạt động riêng với 10 quốc gia ASEAN. Nếu được ký kết, RCEP sẽ buộc New Delhi cắt giảm thuế quan đối với khoảng 90% hàng hóa hiện đang nhập khẩu vào Ấn Độ trong vòng 15 năm tới, một kết quả có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất và nông dân nước này. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ cho biết, họ có thể xem xét tham gia RCEP trong tương lai.
Tại sao Mỹ nên tham gia chủ động hơn?
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ được cho là đã làm suy giảm mức độ ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương khi rút khỏi TPP - hiệp định vốn được coi là đối trọng kinh tế với Trung Quốc đang trỗi dậy. Với việc RCEP có hiệu lực vào năm tới, ảnh hưởng của Mỹ có thể sẽ giảm sút hơn nữa. Tuy nhiên, khi ông Joe Biden lên nắm quyền, mọi chuyện có thể sẽ có những thay đổi.
Theo một số chuyên gia, nếu chính phủ mới của Mỹ không chủ động đàm phán lại và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, thì điều này tương đương với việc giúp Bắc Kinh tăng cường tầm ảnh hưởng trong khu vực, mà kinh tế chỉ là sự khởi đầu.
Bảo Ngọc (Theo DM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm