“Thời điểm vàng” để phát triển logistics Đồng bằng sông Cửu Long
Phiên chợ nông sản hữu cơ hút khách / Các ngân hàng giảm lãi suất: "Liều thuốc" kịp thời cho doanh nghiệp
Từ điều kiện đến chính sách
Theo Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; ĐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
Với những lợi thế đó, ĐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. những tiềm năng tự nhiên to lớn ấy đã được đánh thức thông qua các chính sách quan trọng như Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/2/2014, về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Ðây sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng.
Tuyến vận tải trực tiếp giữa hai đầu Hải Phòng – Cần Thơ thay thế cho việc chuyển tải từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ bằng sà lan đã tạo điều kiện cung cấp giải pháp chuỗi dịch vụ logistics tại ĐBSCL.
Cùng với đó là Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày2/3/2021,của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao.Trong đó, việc phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế cần phải chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.
Phấn đấu đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Vươn tầm khu vực và thế giới
Theo các chuyên gia, để tháo gỡ những khó khăn và hạn chế của ĐBCL cùng với hệ thống logistics hiện tại của khu vực TP Hồ Chí Minh đang phục vụ xuất khẩu và giao nhận hàng hoá cho vùng đang quá tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ký Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT, ngày28/10/2016, về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển ĐBSCL (Nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics cho hàng nông thủy sản của vùng ĐBSCL vươn tầm khu vực và thế giới.
Cảng Cái Cui - Cần Thơ đang đón tàu trọng tải lớn để làm hàng.
Theo TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế, logistics là “mạch máu” của nền kinh tế, trong thời gian qua tình trạng ứ đọng nông sản, chờ giải cứu đó là chỉ dấu cho thấy sự tắc nghẽn giữa khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sự vận hành của hệ thống tiêu thụ trong đó có sự yếu kém của hệ thống logistics. Khi chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại, đòi hỏi phải đầu tư, nâng tầm dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Hiện tổng chi phí logistics Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP so với mức trung bình thế giới là từ 9 – 14%. Rõ ràng chi phí này còn nặng nề, để giải phóng sức ỳ đó chúng ta cần nâng cao chất lượng logistics.
Thời gian qua được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics. Trong đó đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics vùng. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới. Không chỉ hạ tầng và dịch vụ logistics mà doanh nghiệp trong ngành cũng góp phần quan trọng.
Thực tế cho thấy hiện các doanh nghiệp logistics vùng ĐBSCL còn nhỏ nên cần thu hút các doanh nghiệp logistics đầu đàn mang tính dẫn dắt và cùng với các doanh nghiệp logistics nhỏ vệ tinh phát huy hết khả năng tạo sức mạnh cho hệ thống logistics cả vùng ĐBSCL.
Cần thu hút doanh nghiệp để đầu tư và vận hành logistics
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải thu hút thêm các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng tham gia để phát triển dịch vụ logistics ở ĐBSCL. Mới đây công ty vận tải Phượng Hoàng đã mở chi nhánh tại Cần Thơ, do doanh nghiệp đã xác định Cần Thơ là trung tâm đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính và là trung tâm khoa học - công nghệ.
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng - Giám đốc công ty vận tải Phượng Hoàng, công ty hiện có gần 200 đầu xe tải và có 4 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Khi mở chi nhánh tại Cần Thơ công ty đã nhận thấy nhiều thuận lợi để phát triển, từ định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Trong đó cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cảng và hạ tầng logistics đang được đầu tư mạnh mẽ, với nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm thì tiềm năng để đầu tư và khai thác thế mạnh của chuỗi dịch vụ logistics cho cả vùng ĐBSCL sẽ còn tiềm năng rất lớn...
End of content
Không có tin nào tiếp theo