100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước
Doanh nghiệp hưởng lợi từ TFA / Cơ hội cho doanh nghiệp EU tại Việt Nam khi EVFTA được thực thi
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), sáng 25/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp Gia đình Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nhân đang trực tiếp quản lý, điều hành các doanh nghiệp gia đình hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Trong những năm qua, doanh nghiệp gia đình đã và đang trở thành một thành tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước và phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào.
Diễn đàn doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019 |
Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy, tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD. Đối với nước ta, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đã và đang đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất, có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã cổ phiếu bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp gia đình vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai và những thế hệ tiếp theo.
Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, các chuyên gia cho rằng, việc quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Theo đó, cần phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại.
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, để kế nghiệp thành công cần phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình.
“Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị doanh nghiệp các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây là công thức thành công”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải dựng kế hoạch kế nhiệm, tư duy kinh doanh. Đồng thời, có kế hoạch thương hiệu cho doanh nghiệp bằng việc tận dụng công nghệ mới song phải kế tiếp những di sản mà thế hệ trước để lại. Xây dựng chuyên môn để điều hành doanh nghiệp cũng như uy tín với khách hàng và nhân viên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo