4 chính sách nổi bật doanh nghiệp cần biết từ 01/7/2019
DNVN - Từ ngày 01/7/2019 tới, hàng loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, trong đó có 4 chính sách sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được ưu tiên hàng đầu / Chuyển đổi số: Cái thiếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tầm nhìn
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn lãi suất thấp
Lãi suất cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại.
Mức lãi suất cho vay thương mại thấp nhất được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 18 Nghị định 39/2019/NĐ-CP).
Tại thời điểm này, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng tài sản lớn nhất là: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án.
Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm.
2. Tăng mức lương tối đa đóng BHXH
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Trường hợp tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng, kéo theo, mức tiền lương tháng tối đa đóng BHXH cũng tăng. Cụ thể, sẽ tăng từ 27,8 triệu đồng lên 29,8 triệu đồng.
Như vậy, các doanh nghiệp cần chú ý mức lương tối đa đóng BHXH của người lao động không vượt quá 29,8 triệu đồng.
3. Tăng mức đóng đoàn phí công đoàn tối thiểu, tối đa
Đoàn viên ở các công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nhưng mức tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.
Việc tăng mức lương cơ sở cũng sẽ khiến mức tối đa đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng tăng lên 149.000 đồng kể từ ngày 01/7 tới đây.
Lưu ý, đoàn viên ở các doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí, mức đóng đoàn phí tối thiểu phải bằng 1% mức lương cơ sở - tức 14.900 đồng.
Việc tăng mức tối thiểu, tối đa đóng đoàn phí công đoàn sẽ tác động tới tổng số thu đoàn phí công đoàn của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp (nếu công đoàn cơ sở điều chỉnh mức đóng).
Theo đó, trong năm 2019, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp được sử dụng 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn (Hướng dẫn 2212/HD-TLĐ).
4. Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh phạt tới 2 tỷ đồng
Ngày 01/7/2019, Luật Cạnh tranh 2018 chính thức có hiệu lực, một trong những điểm mới của Luật này là quy định cụ thể mức phạt tối đa đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh tại Điều 111.
Cụ thể: Vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tối đa 2 tỷ đồng. Vi phạm quy định về tập trung kinh tế: Phạt tới 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm vi phạm;
Trong khi đó, vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền thì mức phạt tối đa là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Những hành vi vi phạm khác bị phạt tối đa 200 triệu đồng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo