Hỗ trợ doanh nghiệp

Bàn cách ngăn chặn bán hàng đa cấp trá hình

DNVN - Theo Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp không phép. Theo đó, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt cho ngành.

Kết nối cùng phát triển / Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân

Nhiều doanh nghiệp hoạt động không phép

Ngày 12/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hiện có 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Tại diễn đàn “Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam giải pháp phát triển minh bạch và bền vững” ngày 5/1 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các bộ, ngành liên quan, về cơ bản hoạt động bán hàng đa cấp những năm qua đã đi vào ổn định, hiệu quả.

Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép đạt 19.105 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020 và tăng 52% so với năm 2019). Năm 2022, doanh thu của các thành viên thuộc Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021, nộp ngân sách Nhà nước trên 2.400 tỷ đồng.

Ông Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi kinh doanh này ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt, bảo đảm cho các doanh nghiệp và hiệp hội hoạt động lành mạnh, minh bạch và ổn định. Doanh thu của ngành năm 2022- 2023 tiệm cận khoảng 1 tỷ USD.

Cũng theo ông Võ Đan Mạch, ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó Điều 36 quy định bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng trực tiếp. Quy định này đã tiệm cận quan điểm và xu thế phát triển của thế giới, tạo vị thế và vai trò tốt hơn cho doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.


Ông Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, sử dụng sản phẩm hàng hoá không bảo đảm chất lượng để thực hiện hoạt động bất chính.

“Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn đang đánh đồng doanh nghiệp được cấp phép, tuân thủ pháp luật tốt với doanh nghiệp làm ăn có dấu hiệu lừa đảo, chụp giật… Từ đó, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt cho ngành”, ông Mạch nhấn mạnh.

Ngoài ra, tính liên kết, liên thông và phối hợp cung cấp thông tin chưa hiệu quả nên đôi khi người dân chưa có sự phân biệt doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh với các doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp, trục lợi.

Số hoá để minh bạch

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính.

Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, trên cơ sở các quy định pháp luật chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp với các cơ quan truyền thông để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, thói quen kinh doanh của nhà phân phối thúc đẩy sự phát triển của ngành bán hàng được pháp luật thừa nhận.

“Chúng tôi mong muốn phối hợp với các cơ quan chức năng để nhận diện, thông báo, phát hiện, xử lý các vi phạm trong kinh doanh sản phẩm đa cấp chưa được cấp phép nhằm bảm đảm môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp chân chính. Xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và trục lợi”, ông Mạch kiến nghị.


TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp.

Ở góc độ cơ quan quản lý, theo TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để doanh nghiệp, người dân cùng hiểu.Thời gian qua, sự vào cuộc của doanh nghiệp hơi chậm khiến cho không ít người vẫn đang nhận diện đa cấp là xấu.

Nền kinh tế hiện đang chuyển đổi số mạnh mẽ, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể số hoá toàn bộ hệ thống hướng đến xây dựng ngành kinh doanh văn minh.

“Để chống những hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp trá hình, không thể chỉ dựa cơ quan quản lý, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cần phát huy hiệu quả hơn vai trò bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh chân chính, phát hiện doanh nghiệp có hành vi trục lợi để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.

Đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị để cảnh báo, ngăn chặn và tăng cường tuyên truyền”, TS Nguyễn Tú Anh khuyến nghị.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm