Hỗ trợ doanh nghiệp

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng chế biến thủy sản

DNVN - Chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, chiều ngày 31/3, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có sự liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa những người nuôi biển. Đồng thời, có giải pháp công nghệ chế biến, logistics để nâng cao chế biến sâu thủy hải sản.

Nguyên tắc "sống còn" khi chế biến hải sản, không muốn "hại mình" hãy nắm ngay những điều đại kỵ sau / Bỏ thứ này vào chế biến hải sản, loại sạch mùi tanh, món ăn cực kỳ thơm ngon hấp dẫn

Tham gia buổi gặp gỡ ngay trên khu vực lồng bè nuôi biển Công ty STP tại khu vực nuôi biển của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), 20 giám đốc, doanh nghiệp nuôi biển đại diện cho hơn 100 HTX nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ những băn khoăn và mong muốn nhằm tiếp sức cho người nuôi biển.

Ông Trần Văn Bảo - Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi đang nuôi trồng tại xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn cho rằng, sau một quá trình dài, những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được Nhà nước cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài. Từ đó có thể yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực.

Tuy nhiên, đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín sóng, kín gió đồng thời cũng kín luôn sóng điện thoại. Tình trạng khó liên lạc này khiến người nuôi trồng rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy giải đáp những băn khoăn và mong muốn của các doanh nghiệp, HTX nuôi biển.

Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của bà con là có một cảng cá đủ tiêu chuẩn để những gì sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ; được giao mặt nước ổn định, lâu dài để bà con góp tiền xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất.

Hiện tại, người nuôi vẫn chạy máy phát điện, chi phí rất lớn và không đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường do dầu thải xả ra.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc STP, đề xuất, Quảng Ninh có kế hoạch đối với sản phẩm rong sụn để nuôi biển theo hướng đa giá trị và có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các HTX.

“7 năm qua, STP đi tìm kiếm sự phối hợp, liên kết với các HTX nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, đó là một hành trình dài, vất vả”, bà Bình cho biết.

Từ tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Bá Ngọc - CEO của Công ty Mực nhảy Biển Đông kiến nghị với người đứng đầu ngành nông nghiệp những khó khăn của người nuôi biển trên vùng biển hở. Ngoài rào cản về cơ chế chính sách, có những giấy phép phải xin ý kiến của trên 6 bộ, ngành vẫn chưa ra được.

Cùng với đó, giấy cấp phép mặt nước còn có khó khăn về ranh giới giữa các hộ khai thác thủy sản và các hộ nuôi trồng. Khi chưa được giao mặt nước, những xung đột này thường xuyên xảy ra và người nuôi biển cũng không có căn cứ, cơ sở để ngăn cản người đánh bắt, khai thác thủy sản gần khu vực nuôi thả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện các doanh nghiệp, HTX nuôi biển đã tiến hành thả 5 triệu con giống xuống Vịnh Bắc Bộ.

Đại diện doanh nghiệp Tân Đại Dương có trụ sở tại cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái) mong muốn có sự liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa những người nuôi biển. Đồng thời, có các giải pháp về công nghệ chế biến, logistics… bởi giá trị thủy sản sẽ được nâng cao hơn khi được chế biến sâu.

Giải đáp các kiến nghị của đại diện người nuôi biển ở Vân Đồn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bà con nuôi biển cần có tư duy tối đa hóa sản phẩm. Bộ cùng các địa phương đang nỗ lực tạo ra một không gian sinh kế mới, đưa nuôi biển trở thành ngành hàng.

Ông Hoan cho rằng, việc Quảng Ninh thành lập hơn 100 HTX trong vòng 2 năm qua là một tín hiệu rất mới. Việc thay thế gần 10 triệu phao xốp đã giải phóng cho vùng biển Quảng Ninh, đó là sự quyết tâm lớn của địa phương.

Ghi nhận các ý kiến của bà con, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh luôn có những chỉ đạo sát sao và xác định ngành thủy sản là trụ cột kinh tế số 1 của địa phương. Tỉnh đã có kế hoạch, chiến lược để phát triển ngành hàng thủy sản đồng bộ ở các khâu.

Quảng Ninh có dư địa nuôi biển, có tiềm năng nuôi biển, tuy nhiên, nếu như không có chiến lược nuôi biển bền vững sẽ có lỗi với tương lai. Về kiến nghị của người dân về vùng "lõm" sóng điện thoại, lãnh đạo tỉnh sẽ có ý kiến với các nhà mạng để triển khai lắp đặt.

“Tỉnh đã có chủ trương xây dựng một cảng cá bảo đảm theo các tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ hỗ trợ ngư dân. Đối với hệ thống điện, chúng ta sẽ linh hoạt trong việc tận dụng khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời.

Tới đây, tỉnh sẽ thực hiện theo quy hoạch các vùng nuôi, đối tượng nuôi... để phù hợp với môi trường vùng nước. Đối với nuôi trồng kết hợp với du lịch, đó là một chiến lược bài bản cần có sự đồng bộ”, ông Huy khẳng định.

Với thông điệp “Nuôi biển - vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”, chiều cùng ngày, tại khu Phất Cờ, Vân Đồn, Quảng Ninh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện các doanh nghiệp, HTX nuôi biển đã tiến hành thả 5 triệu con giống xuống Vịnh Bắc Bộ. Trong đó, có 4,9 triệu tôm sú và hơn 10 vạn cá vược, cá chẽm.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm