Hỗ trợ doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Ðể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, lấy doanh nghiệp (DN) là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Ông Trần Đình Long rớt khỏi top 'tỷ phú đô la' / TMT phát triển mô hình chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng

Trong đó, hai nhóm giải pháp quan trọng chính là Nghị quyết 19/NQ-CP (NQ 19) của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT), quốc gia được ban hành hằng năm từ năm 2014 đến nay và Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ 35) năm 2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Dấu ấn cải cách

5 năm sau khi có NQ 19 và hai năm sau khi có NQ 35, MTKD của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt, thủ tục gia nhập thị trường đã được đơn giản hóa và thuận lợi hơn, các DN đã tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hoạt động so với trước. Một trong những kết quả rõ nét nhất là tinh thần khởi nghiệp lên cao chưa từng có, hình thành làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân. Năm 2016, cả nước có hơn 110 nghìn DN được “khai sinh” với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế (kể cả vốn tăng thêm) là 2,5 triệu tỷ đồng, vốn bình quân đạt 8,1 tỷ đồng/DN. Ðây là lần đầu vượt mốc 100 nghìn DN thành lập mới/năm và xu hướng này tiếp tục tăng nhanh. Ðến năm 2017 tiếp tục có hơn 126 nghìn DN thành lập mới, bổ sung hơn 3,1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, vốn bình quân đạt 10,2 tỷ đồng/DN. 11 tháng qua, cả nước đã có thêm gần 121 nghìn DN mới, tăng 4,5% về số DN và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2017. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng, các DN đã bổ sung cho nền kinh tế hơn 3,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2017.

Nhìn lại 5 năm qua, thứ hạng MTKD của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc sau khi thực hiện NQ 19. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), MTKD năm 2014 của Việt Nam xếp thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và năm 2018 là 69. Tính chung từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tăng tổng cộng 30 bậc trong bảng xếp hạng MTKD. Tuy sang năm 2018, MTKD Việt Nam giảm một bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số đánh giá có cải thiện về điểm số. Cụ thể, trong Báo cáo MTKD (Doing Business) 2019 do WB vừa công bố, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 104/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 19 bậc nhờ cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép công bố thông tin đăng ký DN qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký DN. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng tăng mạnh khi đứng ở vị trí 27/190, tăng 37 bậc so năm 2017 và là năm thứ 5 liên tiếp được cải thiện về vị trí. Ðến nay, 9/10 chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục qua các năm (trừ chỉ số giải quyết phá sản DN), giúp Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách so với nhóm ASEAN 4 (Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin).

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí cho DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một số địa phương đã xây dựng trung tâm hành chính công tập trung. Theo đó, tất cả thủ tục hành chính (TTHC) đều được thực hiện tại một điểm và được giám sát chặt chẽ, góp phần hạn chế tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh DN. Mô hình này đang trở thành thông lệ tốt, được nhân rộng và tạo ra cơ chế minh bạch, hiệu quả để người dân, DN phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan trách nhiệm giải quyết TTHC của cán bộ, công chức… Ðến nay, tất cả các tỉnh, cơ quan thuế và hải quan đều tổ chức hoạt động đối thoại với DN, một số địa phương còn chia nhóm DN để tổ chức đối thoại hiệu quả hơn. Từ năm 2018, đã có một số địa phương bắt đầu thực hiện công khai kế hoạch thanh tra trên trang mạng của tỉnh (như Bắc Giang) nhằm bảo đảm không thanh tra chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành và không quá hai lần/năm như yêu cầu của NQ 35.

Ðể bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội của DN, ngay khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực ngày 1-1-2018, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm tăng cường hiệu quả thi hành, đưa Luật sớm đi vào cuộc sống trên diện rộng và hỗ trợ DN một cách thực chất, gia tăng mức độ thụ hưởng của DNNVV. Ðó là các Nghị định 39/2018/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38/2018/NÐ-CP về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 34/2018/NÐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý và thủ tục cho DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cũng từng bước được hoàn thiện hơn và đơn giản hóa, nhờ đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã tăng trưởng khá.

Với những dấu ấn cải cách nêu trên, TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá: Những hoạt động cụ thể của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh cho thấy sự cải cách đang đi đúng hướng, hướng tới hỗ trợ DN ngày càng thực chất hơn. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này là Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã rất quyết liệt chỉ đạo cụ thể, liên tục nhằm tạo áp lực để các bộ, ngành, cơ quan thực hiện NQ 19. Gần như không có cuộc họp nào Thủ tướng không nhắc vấn đề cải thiện MTKD, hỗ trợ DN phát triển. Ðặc biệt, Chính phủ cũng thể hiện sự quyết tâm, đi đầu của cơ quan điều hành vĩ mô trước mục tiêu vì các DN, thông qua việc ban hành một số văn bản gỡ khó kịp thời cho DN. Nhờ đó, đã có những kết quả khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh, niềm tin của DN, của thị trường khi chất lượng MTKD liên tục được cải thiện.

Sản xuất linh kiện điện tử bóng đèn LED ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông (TP Hà Nội). Ảnh: ANH AN

Vẫn chờ cú đột phá

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn một số hạn chế của MTKD chưa được khắc phục, đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN. Một số chỉ tiêu như: MTKD đạt tiêu chuẩn ASEAN 4 đến nay chưa đạt được; chỉ tiêu có ít nhất một triệu DN hoạt động vào năm 2020 cũng đang gặp trở ngại vì số DN tuyên bố phá sản mỗi năm vẫn tăng lên. Theo Cục Quản lý đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), trong 11 tháng năm 2018, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN rời bỏ thị trường trong cả nước là hơn 97 nghìn DN, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng số lượng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là hơn 57 nghìn DN, tăng 64%. Ðiều này cho thấy, DN vẫn đang gặp phải những rào cản, khó khăn.

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Linh Lê Tuấn Linh chia sẻ: Dù MTKD đang ngày càng thông thoáng hơn với các DN, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục gây phiền hà, cản trở hoạt động SXKD, như quy định phải lưu hồ sơ xuất nhập cảnh 5 năm gần nhất trong khi chỉ nên quy định ba năm. Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chỉ diễn ra 5 đến 7 ngày nhưng DN phải chuẩn bị hàng tháng, cơ chế hậu kiểm đối với chất lượng hợp chuẩn, hợp quy chưa được ngành hải quan áp dụng phổ biến để tạo thuận lợi hơn cho DN, nhất là các DNNVV. DN vẫn phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra riêng lẻ, mất nhiều thời gian, phiền phức, trong khi nội dung kiểm tra chồng chéo về môi trường, lao động, phòng cháy, chữa cháy,... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét liên thông kết quả kiểm tra để có giải pháp phù hợp, đỡ gây phiền phức cho DN trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và tuân thủ không thanh tra, kiểm tra DN quá một lần trong năm. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, trong thực tế, công tác chỉ đạo hành chính, quy định hành chính chưa phù hợp, không chỉ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội, thời cơ làm ăn của DN nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ðặc biệt, tư duy trong cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh chưa thống nhất, không đồng đều giữa nhiều bộ, ngành, địa phương, khiến tỷ lệ cắt giảm dù khá cao, nhưng chỉ tập trung vào một số ngành. Riêng vấn đề giấy xác nhận an toàn thực phẩm, mỗi năm DN thủy sản phải chuẩn bị vài chục nghìn tờ.

Theo các chuyên gia, dư địa cải cách để Việt Nam nâng cao vị trí trong Báo cáo NLCT của WB còn rất lớn. Bởi hiện nay, việc triển khai thực hiện chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương, vẫn còn tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh tanh”. Trong thời gian tới, cần sự vào cuộc rộng rãi, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia và sự hài lòng của cộng đồng DN sẽ là thước đo quan trọng nhất của kết quả thực hiện. Ðể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ Chính phủ giao tại NQ 19 và NQ 35, các đơn vị cần tìm hiểu rõ phương pháp và các biện pháp để cải thiện chỉ số; lập kế hoạch tốt, có đầu mối thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; ứng dụng công nghệ thông tin cần làm thực chất, tránh hình thức. Cần gắn chặt việc thực hiện nhiệm vụ này với công tác cán bộ, nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong việc ra quyết định và phối hợp với cơ quan khác. Kết quả đầu ra phải đo lường được một cách khách quan và có phản hồi của DN.

Mặc dù có nhiều thách thức nhưng mục tiêu đạt một triệu DN hoạt động vào năm 2020 vẫn có thể trở thành hiện thực nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ bỏ các rào cản. Cũng như nhiều quốc gia khác, 97% số DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nhưng khác biệt là ở chỗ DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao. Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng quy định về chế độ kế toán đơn giản để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển lên DN; đề xuất giải pháp đại lý thuế được phép hành nghề kế toán cho các DN siêu nhỏ. Ðồng thời xây dựng quy định về hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt làm cơ sở tính thuế thay cho hình thức thuế khoán đang áp dụng nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.

 

Theo nhandan.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm