Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hai ngành thuế và hải quan có mối quan hệ đặc biệt và xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Do tính chất hoạt động, ngành thuế và hải quan có tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng cũng chịu sự giám sát chặt chẽ nhất của cộng đồng doanh nghiệp.

Xuất khẩu gạo Việt Nam "thẳng tiến" tới mốc 6,15 triệu tấn / Ông Trương Đình Tuyển: Hàng Việt Nam có thể thay thế tốt hàng Trung Quốc tại Mỹ

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực cải cách thuế, hải quan

Trong thời gian qua, cùng với tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 trước đây hay các Nghị định số 35 của Chính phủ năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 và Chỉ thị số 07 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35 và Chỉ thị 26, các Nghị quyết số 19 trong 4 năm gần đây về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay các điều khoản, cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do song phương hay đa phương liên quan đến tạo thuận lợi thương mại hay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều đưa ra các chỉ số và tiêu chí đánh giá rất cụ thể đối với ngành thuế và hải quan.

Kết quả cho thấy, Bộ Tài chính được ghi nhận luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018).

Đã giảm thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá (năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013; Thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016...).

Từ năm 2016 đến ngày 2/10/2018, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 thủ tục hành chính (TTHC) và đơn giản hóa 888 TTHC, đến nay bộ TTHC lĩnh vực tài chính còn lại 987 TTHC (lĩnh vực thuế là 298 TTHC, lĩnh vực hải quan 183 TTHC).

 

Trong đó, lĩnh vực thuế, đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 405 thủ tục, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế như: Khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Thống kê cho thấy, khai thuế điện tử đã thực hiện trên cả nước với gần 640 nghìn doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; Đã triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành với trên 2.550 doanh nghiệp khai hoàn thuế điện tử, đạt 38% trên tổng số 6.700 doanh nghiệp tham gia thí điểm...

Với lĩnh vực hải quan, từ năm 2016 đến nay, đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục hải quan; Tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa, vận hành 24/7 và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Ngành Hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; Triển khai nộp thuế qua ngân hàng… .Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Theo báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017 đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về ngành thuế và hải quan cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Nhiều chỉ số đánh giá quan trọng cũng đều ở điểm cao nhờ sự dễ dàng tiếp cận thông tin, hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính và thái độ tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp của công chức ngành thuế và hải quan. Nhiều vấn đề trước đây được coi là nóng như chi phí không chính thức được phản ánh tiếp tục giảm mạnh, tạo không khí tin cậy và hợp tác giữa cán bộ thuế, hải quan với doanh nghiệp

Vẫn còn nhữngtồn tại

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được của ngành thuế và hải quan vẫn còn tồn tại một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi hai bên tiếp tục ngồi lại và trao đổi với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết.

 

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ ra, đối với ngành thuế, Chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh, đi kèm với các mẫu biểu cũng có điều chỉnh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi. Trong khi đó, một số cơ quan thuế lại chậm trễ trong việc trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, dẫn tới việc doanh nghiệp dễ bị nhầm lẫn, thực thi không chính xác và doanh nghiệp lại phải mất thời gian tới cơ quan thuế để điều chỉnh. Bên cạnh việc thay đổi nhiều thì thời gian có hiệu lực của các chính sách pháp luật thuế lại tương đối nhanh khiến doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh và thực hiện.

Ông Phòng đơn cử như thông tư 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 về thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, thời gian từ khi ban hành tới khi áp dụng chỉ hơn một tháng, và tới 12/08/2016 lại được thay bằng thông tư 130/2016/TT-BTC. Hay đối với Thông tư 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 đối với mặt hàng đá hoa trắng theo phản ảnh của doanh nghiệp có mức thu đột ngột tăng 280% đối với sản phẩm đá khối và 311% đối với đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat so với trước. Hay đối với sản phẩm gạch không nung có trường hợp vướng mắc thủ tục hoàn thuế theo quy định tại Khoản 3, điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp khi gặp vướng mắc hoặc làm thủ tục thuế vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ và kịp thời, hướng dẫn có nội dung chung chung.

Trong lĩnh vực hải quan, vẫn còn vướng mắc liên quan đến thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trong đó khi xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp được hướng dẫn làm thủ tục hải quan xuất tại cửa khẩu nhập khẩu gây lãng phí cho doanh nghiệp

Quy định bất cập về điều kiện áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA dẫn đến việc hàng hóa mua bán theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ không được hưởng thuế xuất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 5%, doanh nghiệp kiến nghị cho phép áp dụng thuế xuất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN (ATIGA) cho hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ. Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ không được xem là hàng hóa xuất đi nước ngoài để được hoàn thuế nhập khẩu theo hình thức nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Với một số sản phẩm bị áp thuế như đối với nhiên liệu có sẵn trên tàu khi nhập khẩu vào Việt Nam theo ý kiến của doanh nghiệp không hợp lý hay hiện tượng áp giá tính thuế của hải quan đối với quặng sắt xuất khẩu hay có hiện tượng đánh đồng về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trứng cá tầm và cá tầm làm giống.

 

Có nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh hiện tại việc khai báo hàng hoá nhập khẩu và các khoản phải cộng vẫn chưa rõ ràng và khai báo chưa chính xác. Thông tin cần khai báo với một số hàng hoá nhập khẩu có rủi ro về giá. Xác định mã loại hình khai báo với hàng hoá không thanh toán. Hay như việc nộp thuế thông quan 24/7, hệ thống yêu cầu nhập mã OTP trong vòng 120 giây, tuy nhiên hệ thống gửi mã OTP qua email sau 120 giây nên giao dịch bị hủy và doanh nghiệp phải thoát ra làm lại từ đầu. Vì vậy mất thời gian thử lại nhiều lần.

Cải cách hiện đại hóa, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Trên cơ sở kết quả theo dõi, khảo sát của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành Thuế cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC thuế, giảm thời gian thực hiện TTHC thuế đối với các doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Ngành thuế cũng cần nâng cao chất lượng thông tin về chính sách, pháp luật thuế cho doanh nghiệp và tăng cường ứng dụng CNTT trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC thuế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan Thuế cần chủ động phối hợp các cơ quan khác trong việc giải quyết các vướng mắc về thuế của doanh nghiệp và tăng cường công khai minh bạch. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất ngành Thuế cần nâng cao năng lực giải quyết công việc của cán bộ công chức thuế và nâng cao kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức thuế.

Với ngành hải quan, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan Hải quan cần tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay và trong thời gian tới.

 

Cụ thể, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính hải quan. Nâng cao chất lượng thông tin của các hình thức cung cấp thông tin; Tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan.

Bên cạnh đó, áp dụng quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan làm nền tảng cho việc xây dựng ban hành và thực hiện các chính sách quản lý. Mở rộng đối tượng doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực có rủi ro thấp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Đặc biệt cần chủ động phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Duy trì quan hệ đối tác Doanh nghiệp - Hải quan, xây dựng cơ chế đối thoại từ cấp Chi cục đến cấp Tổng cục để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật của công chức hải quan. Giải thích rõ lý do ngừng, hoãn TTHC hải quan dựa trên căn cứ pháp luật.

Xây dựng chính sách dựa trên tư duy “vì sự phát triển kinh tế chung của đất nước, vì sự thuận lợi của đa số doanh nghiệp”, có chính sách thuế và thu thuế xuất nhập khẩu hợp lý, ổn định, với tầm nhìn dài hạn, rõ ràng, dễ hiểu trong xây dựng chính sách, không đẩy trách nhiệm đó cho người thực thi và đối tượng của luật.

Ngoài ra cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối 143/196 thủ tục hành chính đã đăng ký, đồng thời tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; Cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ doanh nghiệp đến tìm hiểu làm thủ tục hải quan.

 

Theo cpv.org.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm