Hỗ trợ doanh nghiệp

CEO Đại Phúc Land: Cần gỡ nút thắt pháp lý để cứu doanh nghiệp địa ốc

DNVN - Mặc dù đã có nhiều điểm sáng trong tháo gỡ vướng nút thắt pháp lý dự án cho DN bất động sản, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land, sự điều chỉnh này vẫn chưa đủ và thiếu đồng bộ, thực thi còn chậm.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đồng Tháp: Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1%

Áp lực về dòng tiền khiến doanh nghiệp lo sẽ "chết" trên đống tài sản

Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng chưa từng có. Không tránh khỏi khả năng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải nhiều khó khăn, các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, cắt bớt nhân sự để có dòng tiền duy trì hoạt động của công ty trong thời điểm này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cũng nhận định, hiện nay, đối mặt với đại dịch lần này các sàn môi giới bất động sản bị thiệt hại nặng nề do đa số các sàn vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài không có sản phẩm để bán dẫn đến doanh thu không có trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước và các chi phí khác vẫn phải chi.

Số lượng nhân viên càng lớn thì áp lực chi phí duy trì hoạt động càng cao vì vậy nhiều sàn môi giới bất động sản buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi. Tuy nhiên thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới còn lại sau những đợt phá sản trước sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến kế hoạch thi công dự án và bán ra các sản phẩm bất động sản.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến kế hoạch thi công dự án và bán ra các sản phẩm bất động sản.

Cũng theo bà Hương không chỉ các sàn môi giới mà các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải nhiều khó khăn. “Đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc thù là giao dịch trực tiếp do các yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý và giá trị sản phẩm cao. Chính vì vậy việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch ở các địa phương mà tình hình ngưng trệ này có thể một phần hay hoàn toàn”, bà Hương nói.

Dưới góc độ là chủ đầu tư dự án bất động sản, bà Hương cho biết doanh nghiệp mình gặp một số khó khăn. Đầu tiên là kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng. Theo đó, do thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nên các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư ngưng trệ.

Theo bà Hương, trước khi chưa có dịch, kế hoạch ra hàng thường là chuẩn bị trong vòng 5 - 6 tháng nhưng khi COVID-19 bất ngờ bùng phát, chủ đầu tư và các sàn giao dịch đều không có phương án thay thế nào khác ngoài việc buộc dừng lại các hoạt động. Kéo theo đó, doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với dịch.

“Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn, do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản,” bà Hương nói.

Thứ hai, bà Hương cho biết là các sự kiện bán hàng bị tạm dừng. Trong khi đó hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng là chính. Trong khi đó dịch bệnh hoành hành làm cho các sự kiện bán hàng không thể tổ chức theo dự kiến. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Tuy nhiên thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản chưa mang lại hiệu quả cao cho hình thức giao dịch mới này.

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khi tồn kho tăng, gánh nợ vay ngày càng lớn.

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khi tồn kho tăng, gánh nợ vay ngày càng lớn.

Một khó khăn nữa, với các chủ đầu tư dự án bất động sản là kế hoạch triển khai thi công xây dựng bị đình trệ, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ. Giá cả vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Từ đó, dự án sẽ khó có thể bàn giao sớm hoặc đúng tiến độ.

Khó khăn thứ tư, theo bà Hương là áp lực về đồng tiền và khả năng trả nợ vay. Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Tỷ trọng nguồn vốn vay tùy thuộc vào quy mô dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp.

“Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng mà lãi suất ngân hàng và các lãi từ vay nguồn khác vẫn phải trả theo tháng đương nhiên là một thách thức cho doanh nghiệp. Câu chuyện “chết” trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng và các bên liên quan”, bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Hương, nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi hiện nay đã bị cạn kiệt. Sau gần 2 năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang cạn dần và đến thời điểm khi dịch bệnh qua đi, việc tái đầu tư để khôi phục các hoạt động đầu tư và bán hàng là thách thức lớn đang đặt ra.

Doanh nghiệp bất động sản cần gấp "oxy"

Với tình hình khó khăn rất lớn hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang giống như những cá thể bị nhiễm COVID-19, ngay lúc này rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Đa số các chủ đầu tư bất động sản dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Vì vậy, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý 4 năm nay cũng như năm 2022. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn mới với lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời điểm hiện tại”, bà Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land.

Ngoài các hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp toàn diện để vực dậy doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cụ thể, theo bà Hương, hiện nay trên thị trường, các khó khăn về pháp lý dự án vẫn tiếp tục kéo dài. Đây là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp suốt nhiều năm qua.

“Năm 2021 có nhiều điểm sáng tháo gỡ về pháp lý với các điều chỉnh sửa đổi của các điều luật và các văn bản pháp lý để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này là chưa đủ và chưa đồng bộ, quá trình thực thi còn chậm. Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí đầu vào của dự án. Chưa hết, sau đại dịch, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị suy yếu rất nhiều, do đó các vướng mắc về pháp lý, thủ tục triển khai dự án cần được cơ quan chức năng tháo gỡ để tạo ra điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản hồi phục”, bà Hương kiến nghị.

Bà Hương cho biết thêm, bất động sản có cơ hội vượt qua được đợt bão dịch bệnh COVID-19 lần này cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế và phát triển của các ngành nghề liên quan. Một đồng ngân sách chi ra để giúp hồi phục nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ trả lại cho ngân sách 3 đồng, thậm chí 5 đồng trong tương lai.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm