Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ cần chỉ đạo miễn giảm thuế TNDN cho các DNNVV

DNVN - Theo Bộ Công Thương, bên cạnh chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất tại dự thảo Nghị định về hỗ trợ các DN đang được Bộ Tài chính xây dựng, Chính phủ cần chỉ đạo có các hỗ trợ mạnh hơn, theo đó, cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV chứ không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế.

VINASME trao đổi với phái đoàn Australia về khó khăn của DNNVV Việt Nam / Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới DNNVV

Đây là một phần nội dung kiến nghị lên Chính phủ của Bộ Công Thương trong đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm thuộc ngành Công Thương.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trọng điểm của ngành Công Thương trong quý I/2020 và các quý tiếp theo của năm 2020; đề xuất các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, do tác động của dịch Covid-19, các chỉ số kinh tế của ngành công nghiệp trong quý I/2020 đều giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm cũng như so với mục tiêu đề ra. Các chỉ số về giá trị gia tăng và chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp nói chung, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đều ở mức tăng trưởng rất thấp, thậm chí có thể thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất trong nước trên 02 phương diện: ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ cho sản xuất, và ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ (bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu).

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo có những hỗ trợ mạnh hơn cho DNNVV. (Ảnh: TBTCO)
Trước những tác động này. Bộ Công Thương đề xuất, trong ngắn hạn, cần phải quyết liệt triển khai 03 giải pháp cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh: Đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước; Có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển các ngành công nghiệp và tổng hợp kiến nghị từ các Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương kính đề xuất Thủ tướng chỉ đạo thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp hoạt động như giải pháp về tín dụng, giải phá về tài chính, thuế.
Bộ Công Thương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Ví dụ như: Cho vay với lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng…
Trong khi đó, đối với giải pháp về tài chính, thuế, theo Bộ Công Thương cần hỗ trợ Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bởi DNNVV là các đối tượng rất dễ bị tổn thương do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất tại dự thảo Nghị định về hỗ trợ các doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng, Chính phủ cần chỉ đạo có các hỗ trợ mạnh hơn, theo đó, cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV chứ không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 2 Điều 21 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được áp dụng có thời hạn mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp này, Chính phủ cần xây dựng dự toán ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ về Thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV, đặc biệt là các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da – giày, bố trí dự toán ngân sách để trình Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, cần triển khai các ưu đãi, hỗ trợ khác về thuế và tài chính đối với một số ngành công nghiệp đặc thù.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét tập trung tiến hành các giải pháp dài hạn để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước như sau:
Sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành.
Ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Sửa đổi quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng về việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thời hạn (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thuộc danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo qui định của pháp luật về đầu tư nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam có thế mạnh là hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, ứng phó tốt với các sự kiện bất khả kháng lớn như thiên tai, dịch bệnh... đồng thời môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải cách, sẽ là điểm đến thích hợp cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung cũng như dịch bệnh trên thế giới hiện nay.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm