Hỗ trợ doanh nghiệp

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới DNNVV

DNVN – Theo báo cáo của các đơn vị trực thuộc gửi về Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (Covid-19) đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy, và cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước để vượt qua khó khăn.

WHO declared a coronavirus emergency, describing "this is an unprecedented outbreak". / Corona Virus: China adjusts customs clearance time, Agency of Foreign Trade issues recommendations to Vietnamese enterprises

Để nắm bắt kịp thời các khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với Chính phủ trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã khẩn trương đề nghị các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, các Ban và đơn vị trực thuộc báo cáo về diễn biến thực trạng tại từng địa phương nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ, định hướng khắc phục.
Theo công văn của VINASME gửi các hiệp hội/hội DN tỉnh, thành phố; các ban và đơn vị trực thuộc hiệp hội về việc nắm bắt tình hình hoạt động của DN do tác động của dịch Covid-19, mặc dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid – 19, nhưng diễn biến trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Ngay từ rất sớm, Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ. Mặc dù Việt Nam rất gần vùng dịch và có nhiều hoạt động kinh tế, giao thương với Trung Quốc nhưng đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang làm chủ tình hình và phòng, chống dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị xáo trộn, tâm lý e dè, lo sợ, tích trữ hàng hóa trong dân cư, việc kiểm dịch khắt khe ở các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn đến các DN cung cấp dịch vụ như du lịch, giáo dục, logistics... Nhiều DN phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên, vật liệu từ Trung Quốc hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc đang và sẽ gặp khó khó khăn.
Trước tình hình này, VINASME đề nghị các đơn vị trực thuộc báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa ra đề xuất, kiến nghị để VINASME tập hợp, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng khắc phục.
Với công văn của VINASME, nhiều đơn vị thành viên đã gửi báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Đơn cử như báo cáo của Hiệp hội DNNVV tỉnh Đà Nẵng cho thấy: Sau khi Nghị định 100 /2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 có hiệu lực, cộng với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: Thương mại, dịch vụ vận tải – logistics, nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp điện - điện tử, da giày, dệt may và đặc biệt là ngành du lịch.

Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch Đà Nẵng.
Mặc dù đến nay Đà Nẵng chưa có trường hợp viêm phổi do virus Corona, nhưng nhiều người e ngại Đà Nẵng nằm trong địa phương nhiễm dịch khiến khách nội địa và nhiều quốc tịch khác hoang mang. Số lượng khách giảm ước tính từ 50-60%. Dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Du khách biển Đà Nẵng vắng bóng, nhiều nhà hàng phải đóng cửa dài ngày hơn.Việc hạn chế tụ tập đám đông đã gián tiếp không khuyến khích hoạt động du lịch. Cho tới nay, số lượng khách hủy tour lớn. Đây là một con số chưa từng có trong ngành du lịch. Đối với các công ty này, các nhân viên không có việc làm mà vẫn phải trả lương.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc hoặc xuất hàng sang Trung Quốc đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn (không có đủ nguyên, vật liệu, phụ kiện để duy trì sản xuất, không xuất được hàng sang Trung Quốc). Do vậy sẽ làm đình trệ giao thương. Nhiều doanh nghiệp do tâm lý e dè, sợ gặp gỡ giao tiếp cũng làm gián đoạn nhiều hợp đồng kinh doanh. Hoạt động SXKD ngưng trệ làm ảnh hưởng lớn đến các ngành dịch vụ khác, sức tiêu dùng giảm.
Sau khi tập hợp báo cáo từ các đơn vị thành viên, VINASME cho biết, các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là ngành du lịch, hàng không, khách sạn, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện từ Trung Quốc cũng chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19. Đó là việc DN việc phải ngừng sản xuất, công nhân phải nghỉ việc.
Với thực trạng tình tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, VINASME đã đề xuất nhiều giải pháp tức thời và căn cơ có tính hệ thống, đồng bộ.
Về phía Nhà nước, VINASME kiến nghị các cơ quan chức năng cần kịp thời cập nhật thông tin dịch bệnh trên thế giới, nhất là các nước có ảnh hưởng kinh tế lớn tới Việt Nam. Đồng thời cần kiếm soát tốt truyền thông để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, gây hoang mang. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ… thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch.
Các biện pháp phòng dịch cần thận trọng để tránh tình trạng đóng băng mọi hoạt động của nền kinh tế. Ngoài ra, công tác kiểm soát tại cửa khẩu phải chú trọng vào việc tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan thay vì gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cần khuyến khích mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động thương mại điện tử, B2B, hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các thị trường mới ngoài Trung Quốc.
Chính phủ cũng cần thúc đẩy các mô hình “số” như nhà máy số để đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản, lưu kho chờ vận chuyển; hay tiếp thị số cho hoạt động quảng bá du lịch qua thị trường châu Âu, châu Úc, đặc biệt là chính sách miễn thị thực cho một số thị trường có uy tín cao, hoặc kéo dài thời gian miễn thị thực cho các thị trường cũ. Việc áp dụng thực chất các hiệp định FTA đã có hiệu lực cũng hết sức quan trọng vào thời điểm hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, VINASME đề nghị các chủ doanh nghiệp thành viên cần chủ động theo dõi diễn biến của dịch tại các nước có đối tác làm ăn, từ đó đề ra các phương án ứng phó với tình huống xấu nhất. Trước mắt, các doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Đồng thời phải có chính sách giữ chân lực lượng lao động chủ chốt để đảm bảo ổn định ngay sau khi dịch kết thúc. Đối với vấn đề vận chuyển hàng phụ trợ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các phương thức vận chuyển khác, chẳng hạn như đường biển...
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm