Hỗ trợ doanh nghiệp

VINASME hiến kế nhằm thúc đẩy Luật Hỗ trợ DNNVV thực chất, hiệu quả

DNVN – Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã gửi báo cáo đánh giá về các hoạt động của VINASME, cũng như thực trạng và đề xuất của doanh nghiệp sau hơn 2 năm triển khai luật Hỗ trợ DNNVV tới các cơ quan chức năng với mục tiêu nâng cao hiệu quả của luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

VINASME ký kết biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc / VINASME ký kết biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc

VINASME chủ động xây dựng nhiều chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ DNNVV.

VINASME chủ động xây dựng nhiều chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ DNNVV.

Theo báo cáo của VINASME, Hiệp hội đã triển khai rất nhiều công việc đồng bộ từ cấp Trung ương tới địa phương. Ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, VINASME đã xác định vai trò của mình trong việc thúc đẩy thực hiện luật và các nhiệm vụ cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên nói riêng và xã hội nói chung. Cụ thể, VINASME đã truyền thông mạnh mẽ các nội dung cơ bản của Luật cũng như phân tích các thuận lợi mà DNNVV có thể được hưởng. Ngoài ra, VINASME cũng chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ chuyên sâu và phổ biến rộng rãi tới các Hiệp hội/Hội thành viên.

Về các chương trình hành động, VINASME đã xây dựng đề án Hỗ trợ Hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp; Phối hợp với các ngân hàng như BIDV, Liên Việt… đưa ra các chương trình ưu đãi tín dụng; đồng chủ trì một số hội thảo với các tổ chức tín dụng nhằm thảo tháo gỡ khó khăn về điều kiện tiếp cận vốn; tổ chức các khóa đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; thực hiện kết nối và xúc tiến thương mại, đặc biệt ưu tiến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ.

Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các bộ ngành và tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội mới, thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Bắc nhằm lắng nghe, tập hợp ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp về Luật Hỗ trợ DNNVV; Phân tích, phản biện và kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền và các bên liên quan.

 

Nhìn chung, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có tác động rất lớn về mặt tinh thần cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, việc thực thi luật cũng đem lại một số thay đổi tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm sát sao và giải đáp kịp thời những vướng mắt của doanh nghiệp.

DNNVV vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực.

DNNVV vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực.

Vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức

 

Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã phát huy được một số kết quả đáng khen ngợi, nhưng doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều trăn trở. Đối với môi trường kinh doanh, các thủ tục, trình tự thẩm định dự án đầu tư, xây dựng, đất đai… vẫn còn quá nhiều khâu phức tạp, làm mất thời gian và cơ hội của các nhà đầu tư. Ngoài ra, tình trạng phân biệt đối xử giữa DNNVV với các doanh nghiệp lớn hoặc FDI vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chỉ nói riêng vấn đề chuyển đổi thành doanh nghiệp, mặc dù Chính phủ đã có mục tiêu đề ra và đề án của Hiệp hội đã được phê duyệt, nhưng số lượng chuyển đổi từ hộ kinh doanh đến nay vẫn rất ít ỏi. Vì thế, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 của nước ta là khó khả thi. Mặt khác, vì số lượng chuyển đổi ít nên Bộ Tài chính chưa thể đánh giá mức độ phù hợp của Chế độ kế toán dành riêng cho DN nhỏ và siêu nhỏ.

Trong lĩnh vực tiếp cận vốn, đất đai… các bộ ngành hiện chưa có giải pháp gì mới, các điều kiện cấp tín dụng vẫn còn ngặt nghèo và có thể so sánh với điều kiện cầm đồ. Vì thế, doanh nghiệp thường phải đi vay hoặc thuê lại đất giá cao để thuận tiện cho công việc. Một doanh nghiệp ở thành phố Việt Trì cho biết: “Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2018, giá thuê đất tăng hơn 13 lần, từ 300 triệu lên 3,7 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm và tính cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Về vấn đề mặt bằng sản xuất kinh doanh, tại Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nêu rõ: UBND cấp tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho DNNVV; xem xét hỗ trợ giá thuệ mặt bằng; thống nhất, kiện toàn đầu mối thực hiện công tác Hỗ trợ DNNVV… Tuy nhiên thực tế chưa có chuyển biến.

Về lao động - đào tạo, có một thực tế đáng buồn là người lao động sau khi tham gia các khóa đào tạo vẫn không đủ năng lực làm việc và phải đào tạo lại. Nội dung các khóa đào tạo không bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển dụng lao động trên các sàn giao dịch việc làm, hội chợ lao động.

 

Về công tác thanh, kiểm tra, mặc dù đã có nhiều điều chỉnh trong chức năng thanh tra nhưng vẫn tồn tại sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Một bộ phận doanh nghiệp cho rằng số lượng thanh tra như hiện nay là quá nhiều.

Chính quyền và các bên liên quan cần thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ.

Chính quyền và các bên liên quan cần thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ.

VINASME kiến nghị 6 giải pháp căn cơ mang tính đồng bộ

 

Thứ nhất, mỗi bộ ngành, cơ quan cần tăng cường truyền thông và nhanh chóng hoàn thiện cổng thông tin điện tử để tiếp nhận, giải đáp các khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai luật Hỗ trợ DNNVV; Xây dựng hệ thống gắn kết các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố với các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp địa phương để nắm bắt nhu cầu thực tế và có biện pháp thiết thực.

Thứ hai, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia, cố vấn và cán bộ văn phòng Hiệp hội cấp tỉnh thành. Hàng Quý đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp thông qua mô hình hội thảo, tọa đàm, café doanh nhân để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động liên kết DNNVV với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Tổ chức các hội nghị kết nối đầu tư và tổ chức các đoàn công tác ra nước ngoài để giao lưu hợp tác, học tập và chiwa sẻ kinh nghiệm.

Thứ tư, hỗ trợ DNNVV nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm; thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc sản phẩm tiềm năng; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, trong đó trọng tâm là hỗ trợ DNNVV thực hiện chuyển đổi số.

Thứ năm, hình thành các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập trung có mặt bằng sản xuất từ 500 đến 3.000m2 cho các DNNVV thuế với giá ưu đãi; giảm thuế phí đối với các doanh nghiệp được thành lập từ 1 đến 3 năm.

 

Thứ sáu, tiếp tục cải thiện các điều kiện về tiếp cận vốn theo hướng ghi nhận giá trị tài sản sở hữu trí thuệ, tài sản hình thành trong tương lại, sự ổn định của dòng tiền… Tăng khả năng tín chấp của doanh nghiệp thông qua vai trò của các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp.


Hoàng Lân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm