Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ động gỡ khó, không đợi doanh nghiệp 'kêu' mới bàn giải pháp

DNVN - Theo ông Mai Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, khi nảy sinh vấn đề bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan tác động đến số đông cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh sẽ chủ động mời các doanh nghiệp đến họp ngay để bàn cách tháo gỡ, chứ không đợi doanh nghiệp “kêu” mới họp bàn.

Tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển kinh tế ĐBSCL / Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo về phương án chọn nhà đầu tư cảng Liên Chiểu

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,45%, dẫn đầu cả nước và gấp 2,5 lần bình quân cả nước. Bắc Giang phát triển rất đều các ngành và vẫn tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới, những dự án đầu tư quy mô lớn đi vào hoạt động.

Tại diễn đàn khởi nghiệp quốc gia 2023 diễn ra chiều ngày 21/12 tại Hà Nội, ông Mai Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, con số GRDP 13,45% của Bắc Giang ghi nhận trong năm nay là tốc độ tăng trưởng rất cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Kết quả này có được là nhờ có sự đặc biệt quan tâm của tỉnh đến việc phát triển doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN đến địa bàn sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh rất coi trọng vị trí, vai trò của các DN, doanh nhân.

Từ việc tổng kết Nghị quyết 09, chuẩn bị các dữ liệu xây dựng Nghị quyết 41 vừa qua, Bắc Giang đánh giá, sau hơn 10 năm triển khai, đội ngũ doanh nhân Bắc Giang tăng 500%, DN tăng 500%, hợp tác xã tăng 200% và số hộ kinh doanh tăng 200%. Đây là những con số khá tích cực.


Ông Mai Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh rất coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

“Để đạt con số đó, trước hết Ban thường vụ tỉnh uỷ Bắc Giang cũng rất quan tâm xây dựng Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chúng tôi có Nghị quyết chuyên đề riêng và trên cơ sở nghị quyết đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ rất cụ thể cho đến từng cá nhân đứng đầu các sở, ban, ngành và các huyện, TP. Sau khi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người phụ trách từng chỉ số, hàng quý sẽ tiến hành kiểm điểm một lần và đến cuối năm tiến hành xếp loại”, ông Sơn chia sẻ.

Đặc biệt theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, việc gặp gỡ, đối thoại với DN diễn ra thường xuyên, kể cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

“Khi nảy sinh vấn đề bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan mà tác động đến số đông cộng đồng DN thì tỉnh sẽ chủ động mời các DN đến họp ngay để bàn cách tháo gỡ, chứ không đợi DN “kêu” mới họp bàn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đơn cử, khi dịch COVID-19 lan tràn ở các khu công nghiệp yêu cầu phải có giải pháp như đóng cửa, 3 tại chỗ, 4 tại chỗ, mở luồng xanh… Tất cả những việc này đều được chính quyền mời các DN FDI đến họp và bàn cách giải quyết. Khi có được sự đồng thuận từ phía DN, hoạt động triển khai rất thuận lợi.

Hay như hồi đầu năm xảy ra tình trạng thiếu điện, tỉnh phải họp tất cả các DN trong khu công nghiệp để bàn việc sử dụng như thế nào, chia như thế nào với tổng sản lượng điện hiện có để hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân được cân bằng.

Tỉnh cũng lập các tổ công tác đặc biệt để giải quyết các dự án lớn, trọng điểm sẽ mà tỉnh cần quan tâm thu hút đầu tư. Đội công tác này sẽ thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn ngay từ khi bắt đầu chuẩn bị chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, công tác thi đua, khen thưởng cho các doanh nhân, DN được Bắc Giang chú trọng, qua đó giúp doanh nhân, DN có động lực phát triển, đóng góp nhiều hơn vào tiến trình phát triển của địa phương.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm