Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam: Không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì mức thuế "hủy diệt"
DNVN - Theo Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, với mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 412,49% - mức giá "hủy diệt" mà Hoa Kỳ áp với mật ong Việt Nam, sẽ không ai có thể kinh doanh, xuất khẩu được mật ong sang Hoa Kỳ.
Sắp có Cổng thông tin trực tuyến, miễn phí cập nhật cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam / Khai trương điểm bán hàng cố định với sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu long
Mức thuế gây choáng váng
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 412,49%. Đây là mức thuế cao gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.
Cùng với Việt Nam, 4 nước khác gồm Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina cũng nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này; trong đó, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.
Thời điểm này, Hội Nuôi ong Việt Nam và Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cùng toàn thể các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở nước ta đang rất bất bình trước phán quyết sơ bộ của DOC.
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2021 diễn ra ngày 7/12, ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho biết, điều tra chống bán phá là chuyện bình thường, trong hội nhập cũng xảy ra. Tuy nhiên, theo nguyên lý chung của WTO, với việc Việt Nam chưa được một số nước công nhận là nền kinh tế thị trường, khi điều tra phải lấy 1 nước có đặc điểm tương đối gần nhất, có đặc điểm sản xuất và điều kiện tự nhiên tương tự để đảm bảo tính khách quan.
"Trong quá trình điều tra của DOC, theo đề nghị của các bị đơn bắt buộc và không bắt buộc, Mỹ đã chọn Ấn Độ là nước để tính giá trị thay thế. Điều này rất hợp lý vì hai nước có quy mô tương tự nhau, lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng tương đương cũng như nền KT - XH và điều kiện tự nhiên không khác nhau nhiều.
Theo ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán giá sơ bộ với mật ong Việt Nam ở mức "hủy diệt".
Nhưng khi Mỹ đưa ra phán quyết, chúng tôi choáng váng, vì mức thuế áp với Ấn Độ là 6,4%, còn Việt Nam là 412,13%. Điều nực cười là Hoa Kỳ lấy Ấn Độ là nơi thay thế nhưng lại áp mức thuế như vậy. Câu trả lời của họ phi lý vô cùng: họ đã chọn giá mật ong nhập khẩu của Ấn Độ từ các nước phát triển Canada, Newzeland, Ả Rập Saudi... để tính làm giá trị thay thế.
Theo ông Tâm, đây là lý do DOC đưa ra phán quyết sơ bộ với mức thuế "kinh ngạc" như vậy. Không chỉ đối với cộng đồng nuôi ong Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam, ngay cả những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cũng không thể hình dung được, ngay cả cộng đồng buôn bán mật ong trên thế giới cũng chưa nghe chuyện này bao giờ. Một đất nước có quy mô GDP nhỏ như vậy, tại sao lại lấy giá mật ong của những nước phát triển với điều kiện tự nhiên khác nhau để lấy làm giá trị so sánh?!
Thêm vào đó, theo phân tích của ông Tâm, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 40.000 - 50.000 tấn mật ong sang Hoa Kỳ nên DOC không thể lấy số liệu tham chiếu từ một doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 200 tấn một năm để điều tra phá giá từ Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam nuôi ong hoàn toàn lấy mật ong để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong khi người nuôi của Hoa Kỳ chỉ thu 30% sản lượng lấy mật, 70% nguồn thu còn lại từ dịch vụ cho thuê đàn ong để thụ phấn.
Ông Tâm cho rằng, việc Mỹ công bố thuế chống bán phá ở mức "hủy diệt" diễn ra vào đúng thời điểm bắt đầu vụ mật ong mới của Việt Nam và ảnh hưởng tới đời sống cả cộng đồng người nuôi ong Việt Nam.
"Với mức thuế quá cao như vậy, sản phẩm thu về 1 đồng không thể đóng thuế đến 4 lần. Do đó, sẽ không ai có thể kinh doanh, xuất khẩu được mật ong sang Hoa Kỳ", ông Tâm đánh giá.
Ông Tâm cho biết, những năm qua, Hội nuôi ong Việt Nam cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn về nuôi ong gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Vì thế, việc Mỹ áp thuế ảnh hưởng trực tiếp tới nghề nuôi ong Việt Nam, giá trị không chỉ ở mật ong mà còn thụ phấn cây trồng với hệ sinh thái tự nhiên.
Cần trả lại công bằng cho ngành nuôi ong Việt Nam
Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam bày tỏ mong muốn phía Chính phủ Hoa Kỳ, DOC... xem xét lại quyết định áp thuế sơ bộ. Bởi, sau khi DOC công bố kết quả sơ bộ, từ nay đến 8/4/2022 là thời gian để DOC tiếp tục xem xét, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các bên liên quan và ra kết luận cuối cùng.
"Chúng tôi hi vọng không phải đưa vụ kiện ra WTO vì Hiệp hội nuôi ong Việt Nam rất nhỏ bé không đủ sức, không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi mặc dù rất bức xúc và đau khổ. Chúng tôi hi vọng, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các cơ quan điều tra sẽ xem xét lại quyết định cho hợp lý, trả lại công bằng cho ngành nuôi ong Việt Nam cũng như phục vụ tiêu dùng cho chính người dân Hoa Kỳ trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng", ông Tâm bày tỏ.
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, điều đáng chú ý, qua rất nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ điều tra, áp dụng với Việt Nam, vụ việc mật ong này đạt được sự đồng thuận cao nhất từ phía tất cả các DN xuất khẩu của Việt Nam trong việc hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin cho Hoa Kỳ.
"Tuy nhiên, do cách Hoa Kỳ sử dụng dữ liệu và tôi đánh giá việc làm này không khách quan và công bằng với các DN Việt Nam dẫn đến DN Việt Nam phải chịu mức thuế cao một cách vô lý", bà Giang nói.
Theo bà Giang, ngay trước khi Hoa Kỳ ban hành kết luận sơ bộ, Bộ Công Thương đã Bộ Công Thương đã phối hợp họp bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành liên quan để tính đến các kịch bản có thể xảy ra. Thế nhưng, chưa bao giờ tính đến việc DOC sẽ áp một mức thuế quá cao với ngành nuôi của Việt Nam như vậy.
Bộ Công Thương cũng đã họp với tất cả các DN xuất khẩu mật ong, với Bộ Nông nghiệp và Phat triển nông thôn, Bộ Ngoại giao để bàn thảo các phương án giải quyết.
"Đến thời điểm này, chúng tôi cùng với các DN và hiệp hội đang ưu tiên trao đổi trực tiếp với DOC Hoa Kỳ cũng như các cơ quan liên quan của nước này để đưa ra lập luận, dữ liệu thực tế của Việt Nam để cơ quan điều tra của Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan thấy rằng ngành ong Việt Nam không bán phá vào Hoa Kỳ. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của Việt Nam cũng khác với sản phẩm mà người nuôi ong ở Mỹ đang sản xuất và tiêu thụ. Do vậy mật ong Việt Nam không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất mật ong Hoa Kỳ.
Bà Giang bày tỏ hi vọng với sự đối thoại tích cực tới đây giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác với các cơ quan của Hoa Kỳ, trong thời gian tới Hoa Kỳ sẽ có những xem xét lại việc sử dụng dữ liệu công bằng, hợp lý để đưa ra phán quyết cuối cùng, mang lại lợi ích cho cả hai nước cũng như phục vụ mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà hai nước trao đổi trong các cuộc họp về chống biến đổi khí hậu và môi trường tới đây.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo