Chuyên gia ADB: Năm 2022, giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn
Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Điểm sáng của khu vực / Truyền thông quốc tế đánh giá cao nỗ lực vượt khó của kinh tế Việt Nam năm 2021 giữa dịch COVID-19
Diễn đàn “Phục hồi và bứt tốc: Từ chiến lược kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành và doanh nghiệp” do Vụ Tổng hợp Kinh tế Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp tổ chức,sáng 14/1, tại Hà Nội.
Diễn đàn “Phục hồi và bứt tốc: Từ chiến lược kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành và doanh nghiệp”.Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, kể từ tháng 9/2021 đến nay, dịch bệnh đã có xu hướng giảm ở Châu Á và độ phủ vaccine tăng lên. Đồng thời, các hoạt động kinh tế trong khu vực đã được phục hồi.
Điều may mắn là chuỗi cung ứng khu vực ít bị đứt gãy đã cho phép các nước Châu Á tận dụng được cơ hội của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, và cũng kiềm chế được sức ép lạm phát gián tiếp gây ra do thiếu nguồn cung vì sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Lạm phát khu vực dự báo khoảng 2,1% năm 2021 và 2,7% năm 2022.
Nhìn chung, kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vaccine vẫn là các yếu tố quyết định cho phục hồi kinh tế. Với độ phủ vaccine tăng và các gia nhiễm bệnh giảm, các nước Châu Á bắt đầu mở cửa kinh tế và hoạt động kinh tế dần hồi phục lại. Tương tự khu vực, tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam rất nhanh. Tính tới thời điểm hiện tại, độ phủ vaccine đối với người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi đã lên tới con số 100%, nhóm đứng đầu trên thế giới.
Theo ông Cường, sự lây lan của COVID-19 và một đợt giãn cách xã hội kéo dài kể từ tháng 6 đã làm giảm sự phục hồi kinh tế. Trong đó, giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở phía Nam và ở Hà Nội cùng các khu công nghiệp lân cận vốn là những những nơi đóng góp lớn cho GDP của cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chỉ số quản lý mua hàng dao động dưới 50 từ tháng 6 đến tháng 8 báo hiệu sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
“Tuy nhiên, cả hai chỉ số trên đều bắt đầu hồi phục từ tháng 10/2021 cho thấy sự hồi phục của công nghiệp và đà hồi phục này dự báo sẽ tiếp tục sang đầu năm 2022. Thêm vào đó, năm 2021, thương mại tại Việt Nam cũng hồi phục nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ hồi phục của thế giới. Thị trường châu Mỹ, châu Âu và Trung quốc vẫn là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu các hiệp định thương mại thế giới lớn được triển khai, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Năm 2022, có hai yếu tố cũng giúp Việt Nam bật mạnh, bao gồm: kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế năm sắp tới”, ông Cường nhận định.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát biểu tại Diễn đàn.Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cũng lưu ý một loạt rủi ro mà Việt Nam cần quan tâm liên quan đến lạm phát, nợ xấu, thị trường lao động khôi phục chậm, môi trường kinh doanh chưa thực sự cải thiện, thị trường tài chính thế giới mất ổn định, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại...
Đáng chý ý, về dịch bệnh COVID-19, theo ông Cường, mặc dù đã mức bao phủ vaccine nhanh chóng, cách thức đối phó với dịch vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương, thực thi chính sách, tăng cường năng lực y tế, điều trị, bổ sung thuốc hỗ trợ điều trị (sản xuất, nhập khẩu).
Cùng với đó, về kiểm soát lạm phát, tín dụng, nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản (đất đai, trái phiếu, thị trường chứng khoán). Những biểu hiện gần đây cho thấy đó mới chính là những rủi ro "đặc trưng Việt Nam" cần lưu ý. Về dài hạn, chuyển quản lý nền kinh tế dựa dựa trên cơ sở sở hữu sang kiểm soát các hành vi lạm dụng sức mạnh vị thế thị trường (market power) trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện các biểu hiện hành vị can thiệp thị trường gần đây.
Về việc thực thi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, theo ông Cường, các gói giải ngân từ đầu tư công đến các gói hỗ trợ đều hết sức chậm. Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 84% kế hoạch năm 2021, giảm 8,6% so với năm trước.
“Các gói an sinh xã hội giải ngân chậm và thấp. Giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế điều kiện khác nhau, nhiều chính sách biện pháp khác nhau (tài khóa, tiền tệ kết hợp cho gói trợ cấp lãi suất), và chưa có sự phân biệt rõ giữa đầu tư công trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi kinh tế với đầu tư công trong kế hoạch đã được duyệt. Do vậy, việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022 – 2023”, ông Cường nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo