Cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra nhiều bất cập trong Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp thủy sản chồng chất nỗi lo vì quy định ngưỡng xả thải từ 200 m3/ngày trở lên / TP Hồ Chí Minh: Cho phép khu công nghiệp hoạt động lại theo cơ chế thẻ xanh và vàng
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”) đã được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tuần cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Dự thảo này vẫn đang gây tranh cãi bởi không ít quy định, phương thức, tiêu chí được cho là “áp” từ các nước tiên tiến, hiện đại sang một đất nước đang phát triển - mà nhiều lĩnh vực kinh tế gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, cần thời gian và lộ trình để đáp ứng.
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn băn khoăn lớn về tính hiệu quả trong quản lý và bảo vệ môi trường, lại dễ phát sinh thêm tiêu cực trong thực tiễn nếu được thông qua.
Đây là vấn đề chung được cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng phản ánh, góp ý thời gian qua tại các hội thảo với Ban soạn thảo và các văn bản góp ý của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN (AMCHAM), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam….
Nhiều vấn đề đi ngược
Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp Giấy phép môi trường phức tạp, trùng lắp, một số điều kiện bất hợp lý trái với các Nghị quyết của Chính phủ.
Điều này đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ chỉ đạo: “Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định…. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.” Việc kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.
Thứ hai, nhiều quy định bất hợp lý chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch.
Ngoài những khó khăn trên, ngành thủy sản gặp khó khăn với 3 vấn đề chính.
Đó là, quy định dung lượng nước thải tối thiểu phải quan trắc tự động, tần suất quan trắc nước thải định kỳ chưa phù hợp. Xếp loại Danh mục dự án đầu tư Nhóm I và II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Việc xếp loại ngành vào Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc lắp quan trắc tự động theo dung lượng nước thải: tốn kém, kết quả không chính xác.
Tồn tại sự không công bằng khi đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao. Đi ngược với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”.
Cộng đồng doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều bất cập trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều về Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: Internet
Cần tránh trùng lắp hồ sơ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Trước những băn khoăn lớn trên, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị: Đối với thủ tục cấp giấy phép cần tránh trùng lắp hồ sơ: những hồ sơ đã nộp khi xin duyệt tác động môi trường (ĐTM) thì không nộp lại khi xin duyệt giấy phép môi trường (GPMT).
Chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm: Chấp nhận các cam kết của doanh nghiệp khi cấp GPMT. Bỏ kiểm tra thực địa khi cấp GPMT, thay bằng hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các nội dung GPMT được cấp.
Bỏ thời gian kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ (vì đơn giản là đếm số đầu mục) và quy định rõ thời gian thẩm định. Yêu cầu bổ sung phải rõ ràng, cụ thể, có cơ sở khoa học.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 1/1/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn.
Các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Dự thảo chỉ nên áp dụng quy định này cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang các mục đích khác thì phù hợp hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo