CPTPP: Hỗ trợ SMEs Canada muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam
DNVN - Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Canada muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã bắt đầu có hiệu lực, hội thảo "CPTPP: Vietnam" đã được tổ chức tại Toronto, Canada, hôm 11/3.
Hơn 680.000 doanh nghiệp dùng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử / Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ "1 cổ 2 tròng"
Theo TTXVN, hội thảo do Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam phối hợp với Bộ Xúc tiến Xuất khẩu và Doanh nghiệp nhỏ của Canada và Bộ Thương mại, Kiến tạo việc làm và Phát triển kinh tế tỉnh Ontario phối hợp tổ chức.
Đánh giá sự vững mạnh của mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada, bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu và Doanh nghiệp nhỏ của Canada, bày tỏ mong muốn sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.
Theo Bộ trưởng Mary Ng, phía Canada có thể tài trợ cho các doanh nghiệp Canada muốn sang Việt Nam để nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Nói về những điểm mạnh của thị trường Việt Nam, ông Jay Allen, Phó trưởng đoàn đàm phán CPTPP, Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada, cho biết: Việt Nam có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á; dân số trẻ (60% trong tổng số 95 triệu dân ở độ tuổi dưới 30); tốc độ tăng trưởng GDP ở trên mốc 6% kể từ năm 2014.
Qua đó, ông Jay Allen đánh giá hai nước có cơ hội hợp tác lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, hải sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch, ICT.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Đài Trang, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, cho biết: Từ khi Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu thị trường Việt Nam đến các doanh nghiệp Canada thông qua việc tổ chức và tham gia sự kiện, hỗ trợ các đoàn tìm hiểu về thị trường Việt Nam.
Thực tế, Hội đồng thương mại Canada-Việt Nam đã có nhiều hoạt động, trong đó bao gồm tổ chức hai sự kiện “Đầu tư Đà Nẵng” và “Phụ nữ trong doanh nghiệp.”
Giới doanh nghiệp Canada đặc biệt quan tâm đến lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam đối với một số sản phẩm nông sản như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản, hoa quả tươi.
Theo thống kê mới nhất, trong năm 2018, Canada xuất khẩu sang Việt Nam một lượng hàng hóa trị giá 1,02 tỷ CAD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 5,38 tỷ CAD. Tóm lại, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong giao thương với Canada.
CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Canada. Với lộ trình giảm thuế khá nhanh của Canada (từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm), một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2019 như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực tại Canada vào ngày 11/02 vừa qua. Để hỗ trợ người dân hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại và tiếp cận các thị trường mới, Chính phủ Canada đang đầu tư 1,1 tỷ CAD (tương đương 827 triệu USD) vào các chương trình và dịch vụ như cung cấp nguồn lực cho các DN nhỏ và vừa khai thác các cơ hội xuất khẩu mới; tăng cường dịch vụ thương mại dành cho các nhà xuất khẩu; hỗ trợ các sáng kiến giúp tăng giá trị gia tăng, phát triển DN. CPTPP mở rộng cửa hơn cho các DN Canada khi tiếp cận các thị trường năng động nhất tại châu Á-Thái Bình Dương. Các DN Canada, từ nông dân, ngư dân, các nhà khoa học, các hãng chế tạo... đến các chủ sở hữu DN nhỏ - được tiếp cận khoảng 500 triệu khách hàng mới. CPTPP kiến tạo nên một thị trường gần nửa tỷ dân, được kỳ vọng sẽ là nơi các DN Canada có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng. |
Nguyệt Thu (Theo Reuters)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo