Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ "1 cổ 2 tròng"
DNVN - Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ tiếp tục bị đình trệ do vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là Thông tư 36 và Thông tư 21.
Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Tất cả đều chung chung, chưa cụ thể hóa
VASEP cho biết, cho tới thời điểm này, hoạt động sản xuất XK của các DN cá ngừ tiếp tục bị đình trệ do vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ NN&PTNT là Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2019) và Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT (TT21/2018) về “Quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác” (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).
Trong khi nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cá ngừ bị ùn ứ do những lô hàng NK vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư 36. Các DN cá ngừ này đang nặng gánh về phí lưu bãi, trễ hẹn đơn hàng, không có nguyên liệu cho nhà máy tiếp tục hoạt động sản xuất...
Trong khi đó, nhiều cảng trên cả nước lại dừng hoàn toàn việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản từ khai thác (S/C) cho các lô hàng XK đi EU với lý do các cảng không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của cảng cá loại I và II (theo Điều 78, Luật Thủy sản 2017) nên không đủ điều kiện để được chỉ định là cảng cá “có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác” như quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT.
Theo Khoản 2 và 3 Điều 6 của TT21/2018 thì danh sách cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác phải được các Sở NNPTNT rà soát, đánh giá, báo cáo lên Tổng cục Thủy sản để tổng hợp và phải được Bộ NNPTNT công bố cũng như Tổng cục Thủy sản đăng tải trên website của Tổng cục Thủy sản mới được coi là chính thức có hiệu lực.
Từ ngày 01/01/2019, Thông tư 21 đã có hiệu lực nhưng cho tới tháng 3/2019 vẫn chưa có cảng cá nào được các Sở NN&PTNT đánh giá là đạt chuẩn hay không và danh sách cảng cá được chỉ định “có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác” cũng chưa được Bộ NN&PTNT ban hành.
VASEP cho rằng, toàn bộ nguyên liệu mà các DN đã mua từ đầu năm 2019 đến nay không được cấp Giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (S/C) nên các lô hàng SX ra từ nguyên liệu này đang phải lưu kho vì không thể XK đi EU.
Ảnh minh họa.
Nhiều hợp đồng XK đi EU lẫn các hợp đồng với ngư dân và đại lý cung ứng nguyên liệu đều bị ách tắc, nguy cơ bị đối tác hủy hợp đồng và xử phạt rất cao. Điều này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SX kinh doanh của cả các ngư dân, các DN, đồng thời gây ra nhiều tổn thất cả về kinh tế lẫn uy tín, thương hiệu của DN.
Trước tình trạng này, VASEP đã gửi công văn kiến nghị tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong đó đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ra văn bản ban hành “Danh sách các cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác” và Tổng cục Thủy sản sớm đăng tải Danh sách này lên trang thông tin điện tử của Tổng cục như quy định tại Điều 6 Thông tư 21 để làm căn cứ chính thống trong triển khai các hoạt động xác nhận, chứng nhận thủy sản tại các địa phương.
VASEP cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn các cảng cá tiếp tục triển khai các hoạt động xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để giúp DN giải phóng hàng tồn, khai thông đình trệ trong SX xuất khẩu của các DN.
Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xem xét, đánh giá điều kiện của các cảng cá trong danh sách các cảng đang thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để xem các cảng này đã có đủ điều kiện như quy định trong Điều 78 của Luật Thủy sản chưa, cũng như đề ra biện pháp hỗ trợ cho các cảng cá chưa đủ điều kiện và lộ trình áp dụng Điều 6 Thông tư 21 cho các cảng cá đó để tránh gây khó khăn, ách tắc cho sản xuất kinh doanh của người dân và DN.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo