Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Doanh nghiệp khó hạch toán chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ”

DNVN - Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), các doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đang gặp khó khăn trong việc hạch toán các chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Bổ sung 2 khu đất lớn ở trung tâm thành phố đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021

Nhiều trăn trở

Tại phiên đối thoại với các doanh nghiệp (DN) FDI chiều ngày 24/9 trong khuôn khổ hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, TP quyết định tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, thực hiện triệt để biện pháp “ai ở đâu ở yên đó” trong 20 ngày để khống chế dịch COVID-19. Đồng thời, TP áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% ở các DN. Đến nay, Đà Nẵng đã đạt mục tiêu quan trọng là khống chế được nguồn lây trên phạm vi toàn TP, từng bước mở lại các hoạt động, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo phản ánh của các DN FDI tại Đà Nẵng, việc thực hiện "3 tại chỗ" là không bền vững, phát sinh chi phí quá sức chịu đựng của DN và không đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động

Theo phản ánh của các DN FDI tại Đà Nẵng, việc thực hiện "3 tại chỗ" là không bền vững, phát sinh chi phí quá sức chịu đựng của DN và không đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ghi nhận các DN FDI đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của chính quyền, bảo đảm sản xuất an toàn cho người lao động, duy trì sự vận hành của nền kinh tế.

Các DN đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” dù các giải pháp này không dễ thực hiện, đòi hỏi các điều kiện khắt khe và tốn kém không ít chi phí.

Chính quyền TP Đà Nẵng biết rằng các biện pháp khống chế dịch bệnh nghiêm ngặt đã tác động tiêu cực đến một số ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Một số DN phải tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của DN, chính quyền TP đã cố gắng triển khai các giải pháp tốt nhất trong khả năng cho phép để hỗ trợ các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh.

“Mặc dù vậy, nhiều biện pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ, gây không ít trở ngại cho DN khiến lãnh đạo TP không khỏi trăn trở!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh bày tỏ với các DN tham dự Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” ngày 24/9.

Hóa đơn, chứng từ gây khó

Theo ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), qua khảo sát các DN hội viên, VCCI Đà Nẵng nhận thấy các DN sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đang gặp khó khăn trong việc hạch toán các chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ vào chi phí hợp lý của DN.

Các chi phí phát sinh khi thực hiện 3 tại chỗ trong khi thực hiện giãn cách, “ai ở đâu thì ở đó” nhiều khi không thể có hóa đơn, chứng từ như khi điều kiện bình thường (mua đồ sinh hoạt, ăn uống…). Việc duy trì sản xuất 3 tại chỗ trong thời gian dài, các khoản chi phí không có giấy tờ hóa đơn là không nhỏ.

Vì vậy, VCCI Đà Nẵng đề xuất cơ quan thuế, xem xét hướng dẫn cho DN hạch toán các khoản chi phí phát sinh trong thời kỳ này mà có lý do hợp lý không thể có hóa đơn, chứng từ như quy định là chi phí hợp lý. DN có thể sử dụng bảng kê chi phí tương tự như trong mua bán hàng hóa nông sản làm chứng từ và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi các cơ quan liên quan thực hiện hậu kiểm.

VCCI Đà Nẵng cũng kiến nghị Nhà nước nên áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép DN có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn bảo đảm không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các DN phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.

“Dịch bệnh rồi cũng sẽ đi qua, giai đoạn nới lỏng giản cách, phục hồi DN, phục hồi kinh tế rồi cũng sẽ đến. Cần tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư chuẩn bị, thực hiện các thủ tục nhằm triển khai các ý tưởng mới, dự án mới và xem đây là hoạt động thiết yếu của từng DN để tạo điều kiện cho họ thực hiện trong lúc thực hiện giãn cách cứng!” – Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang nói.


Doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng: Thực hiện mô hình “3 tại chỗ” là không bền vững

Tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” ngày 24/9, các DN FDI phản ảnh vấn đề giãn cách cứng khó khăn gây khó khăn cho hoạt động của DN như mất đơn hàng, chi phí cao không thể chịu đựng được nếu kéo dài. Chuyên gia của DN FDI không đến được Đà Nẵng nên không bảo dưỡng được máy móc thiết bị, hoàn thiện dây chuyền đầu tư mới... gây khó khăn cho duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư mới.

Đối với việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, theo phản ánh của các DN FDI là không bền vững, không chỉ chi phí cao, quá sức chịu đựng của DN mà còn gây ức chế tâm lý cho người lao động, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và không duy trì được lâu, thậm chí có nguy cơ mất an toàn cho người lao động.

Theo quan điểm, cách tiếp cận của các DN FDI, chính quyền TP Đà Nẵng cần có chiến lược, giải pháp sống chung với dịch bệnh COVID-19, việc theo đuổi “Zero F0” là không thể. Giãn cách cứng ngoài việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, còn gây đứt gãy nguồn nhân lực. Vấn đề phủ vaccine, thẻ xanh, mở cửa với bên ngoài… cũng được các DN FDI rất quan tâm.

Nói chung, các DN FDI quan tâm nhiều nhất đến việc áp dụng các biện pháp giãn cách cứng gây khó khăn cho hoạt động của DN; chiến lược tiếp cận với dịch bệnh của chính quyền địa phương. Việc vận dụng các mô hình thích ứng, linh hoạt, sống chung, an toàn với dịch bệnh nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của DN hơn là đề nghị hỗ trợ về vốn, lãi suất hay những hỗ trợ có tính vật chất từ Nhà nước, chính quyền địa phương...

Ngoài ra, trên bình diện quốc gia, các DN FDI tại Đà Nẵng đề nghị thống nhất cách chống dịch tại các địa phương để bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, phương tiện, nhân lực... Đà Nẵng nằm ở vị trí trung điểm của cả nước, đầu vào sản xuất kinh doanh của DN tại Đà Nẵng không chỉ ở người nước mà còn tại các trung tâm sản xuất lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Vì vậy, khi các địa phương này thực hiện giãn cách thì lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI Đà Nẵng

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm