Đà Nẵng: Vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp giảm hơn 140 triệu USD so với quý I/2021
Đà Nẵng: Phát hiện thêm nhiều trạm biến áp bị phá hoại / Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc tại Đà Nẵng
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, trong quý I/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đà Nẵng chỉ thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký chưa tới 1 triệu USD (0,864 triệu USD); giảm 3 dự án và giảm tới 145,5 triệu USD vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Quý 1/2022, Đà Nẵng chỉ có 2 dự án FDI đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký 5,04 triệu USD.
Không chỉ việc thu hút các dự án FDI ngoài KCN do Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư sụt giảm mạnh trong quý I/2022 mà tình trạng tương tự cũng xảy ra với việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào các KCN trên địa bàn TP, do BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA) cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp Việt Nam, trong quý I/2022, chỉ có 2 dự án FDI được DHPIZA cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN trên địa bàn TP với tổng vốn đăng ký 5,04 triệu USD; giảm 1 dự án (chỉ bằng 66,7%) và giảm tới hơn 140 triệu USD (chỉ bằng 3,4%) so với cùng kỳ 2021.
Cũng trong quý I/2022, có 1,2 triệu USD vốn đầu tư tăng thêm tại các dự án FDI trong các KCN trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên lại có 1 dự án FDI chấm dứt hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư 8,5 triệu USD, cao hơn cả tổng số vốn thu hút mới và số vốn tăng thêm của các dự án FDI đầu tư vào các KCN ở Đà Nẵng quý I/2022.
Lũy kế đến nay Khu công nghệ cao, Khu CNTT tập trung và các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đã thu hút 129 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Hiện DHPIZA đang xúc tiến việc đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) với vốn đầu tư 60 triệu USD. DHPIZA đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung và các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đạt khoảng 150 triệu USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo