Hỗ trợ doanh nghiệp

Đại diện Grab: 'Vinasun muốn triệt tiêu mô hình kinh doanh mới'

(DNVN) - "Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. Đây là mấu chốt của vấn đề", đại diện Grab trình bày quan điểm tại phiên tòa.

Kiện tụng dai dẳng giữa Vinasun - Grab: Có giống phiên xử của toà án châu Âu với Uber? / Vinasun kiện Grab: Căn cứ thiệt hại hơn 41 tỷ đồng của Vinasun là mơ hồ?

Ngày 26/12, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab Việt Nam) sau gần 1 tháng tạm ngừng để đôi bên hòa giải.

Đây là lần thứ 6, TAND TP đưa vụ án ra xét xử sau nhiều lần hoãn xử, hoãn tuyên án. Phiên tòa lần đầu tiên được đưa ra xét xử tại trụ sở Tòa Kinh tế TAND TP.HCM vào ngày 6/2.

Grab muốn mua cổ phần của Vinasun

Tại phiên tòa, cả hai đại diện Vinasun và Grab cho hay, trong thời gian tòa ngừng xử để hai bên tiến hành hòa giải. Tuy nhiên cả hai bên đã không tìm được tiếng nói chung nên cuộc hòa giải vụ tranh chấp bất thành.

Phía Vinasun cho biết việc đề nghị dừng phiên tòa để hòa giải là Grab chứ không phải Vinasun. Grab đưa ra đề nghị với Vinasun không đúng nên hòa giải không thành.

Theo đại diện Vinasun, trong quá trình hòa giải phía Grab đã đề nghị mua cổ phần của Vinasun. Tuy nhiên, Grab đưa ra giá mua cổ phiếu chênh lệch 65 tỉ đồng nên công ty không đồng ý.

Không chỉ thế, Vinasun cho rằng, số tiền đó dù có lớn hơn nữa nhưng mục đích của Vinasun không phải vì khoản tiền đó mà mục đích khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm sao làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab.

Về phần mình, đại diện Grab trình bày, lợi ích thương mại từ đề nghị mua lại cổ phần từ Vinasun này có thể lớn hơn thiệt hại mà Vinasun đưa ra và có lợi ích hai bên. Lợi ích tương lai có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích hiện tại.

Grab cho rằng, mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới (Ảnh: ĐL)

Grab cho rằng, mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới (Ảnh: ĐL)

Grab tỏ ra ái ngại và cho rằng, dường như Vinasun cũng không biết họ muốn gì và họ có muốn đòi bồi thường 41,2 tỉ hay không? Bởi, theo Grab nếu mục tiêu của Vinasun là thương mại thì với những đề nghị của Vinasun, Grab hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp có lợi hơn yêu cầu của Vinasun.

Đồng thời, Grab cho rằng, mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. "Chúng tôi khẳng định Vinasun hoàn toàn có thể dựa vào vụ kiện này để muốn xem xét lại Nghị định 86. Nhưng nếu như vậy thì liệu đây có phải là nơi để Vinasun đưa ra lập luận này hay không? Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. Đây là mấu chốt của vấn đề", đại diện Grab nói.

Tại phiên tòa, phía Grab vẫn bày tỏ mong muốn hòa giải. "Nếu nguyên đơn muốn tiếp tục hòa giải thì chúng tôi sẽ đàm phán tiếp", đại diện Grab nói. Trước ý kiến này, Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm, yêu cầu tiếp tục xét xử vụ án. Do đó, cả hai bên yêu cầu tòa tiếp tục xét xử theo quy định pháp luật.

Vinasun 'tố' Grab không mua bảo hiểm cho tài xế

 

Quay lại xét hỏi, Vinasun cho biết, năm 2016 đơn vị này đã đóng 310 tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm cho người lao động trong khi Grab không có hợp đồng lao động với lái xe.

Trước vấn đề này, đại diện Grab cho rằng, những tài xế chạy ứng dụng không phải là nhân viên của công ty mà là thuộc người lao động của các đối tác của Grab (Hợp tác xã - PV). Đây là trách nhiệm của các Hợp tác xã chứ không phải thuộc trách nhiệm của Grab nên Grab không biết các Hợp tác xã có mua bảo hiểm cho người lao động hay không.

"Grab Việt Nam khẳng định không ký hợp đồng lao động với tài xế nên công ty không có đóng bảo hiểm cho tài xế. Việc tài xế có được hợp tác xã ký hợp đồng hay không thì công ty không biết", đại diện phía Grab trình bày.

Phía Vinasun cho rằng, Grab không có hợp đồng lao động với lái xe.

Phía Vinasun cho rằng, Grab không có hợp đồng lao động với lái xe (Ảnh: ĐL)

 

Grab Việt Nam cho biết thêm, việc ảnh hưởng thiệt hại của Vinasun không phải duy nhất do công ty này gây ra. Ngoài ra, doanh thu của Vinasun không chỉ là từ kinh doanh vận tải mà còn kinh doanh thêm tài chính là bất động sản.

Tại phiên tòa, đại diện Grab hỏi Vinasun về việc số lượng lái xe của Vinasun giảm vì đã chuyển qua hoạt động nhượng quyền, những tài xế này còn là người lao động của Vinasun hay không.

Đại diện Vinasun cho biết trong quá trình Vinasun nhượng quyền, lái xe của công ty được bảo đảm đầy đủ chế độ, bao gồm bảo hiểm.

Tiếp tục phiên toà, hai bên đương sự lần lượt trình bày bổ sung quan điểm và ý kiến của mình.

 

Sau đó, HĐXX cho biết, phiên toà hôm nay kết thúc và sẽ tiếp tục vào sáng 28/12 với phần phát biểu của VKS đối với vụ án tranh chấp dân sự giữa Vinasun và Grab này.

Trước đó, ngày 30/11, phiên tòa đưa ra xét xử tuy nhiên, phía Vinasun và Grab đề nghị được hòa giải. Do đó phiên tòa tạm ngừng để hai bên hòa giải vụ tranh chấp này.

Trong vụ tranh chấp này, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TP.HCM vì cho rằng, dù Grab là một công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực tế hoạt động, Grab là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Grab đã thực hiện nhiều hành vi Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi và có hành vi khuyến mại nhằm gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Chính điều này đã gây thiệt hại cho Vinasun nên hãng taxi nội này khởi kiện Grab ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng.



Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm