Hỗ trợ doanh nghiệp

Đắk Lắk có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1.500 tỷ

DNVN – Dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” do Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) làm chủ đầu tư, với tổng vốn lên đến 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ), được triển khai trên diện tích khoảng 200ha, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk số 1 / Đắk Lắk chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, diễn ra ngày 28/9, tại tỉnh Đắk Lắk; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan), tổ chức lễ khởi công dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”.

Các đại biểu và chủ đầu tư thực hiện nghi thức khởi công dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk.

Các đại biểu và chủ đầu tư thực hiện nghi thức khởi công dự án "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk".

Dự án là một tổ hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín, bao gồm: Chọn lọc, sản xuất heo giống - gà giống; Nhà máy giết mổ heo tự động; Sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; Sản xuất phân bón hữu cơ và Thương mại các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.

Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 200 ha, trong đó khu trang trại chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan có diện tích khoảng 80 ha; khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30 ha; nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15 ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20 ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30 ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25 ha… Tổng vốn đầu tư của dự án là 66 triệu USD (tương đương với 1.500 tỷ đồng). Thời gian triển khai thực hiện dự án từ quý III-2020 đến quý IV-2025.

Theo chủ đầu tư, toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại của dự án sẽ được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0 bởi SKIOLD, một tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở chính tại Đan Mạch, với hơn 140 năm kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp tổng thể, trang thiết bị hiện đại cho trang trại, cùng với việc tiên phong trong phát triển máy móc và công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc và cải thiện chất lượng thịt sạch, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng cũng như chi phí vận hành, mang lại sự ổn định và vững bền cho trang trại.

Nằm trong tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đắk Lắk, dự án trang trại heo giống cao sản Đắk Lắk có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

 

Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kỹ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh…

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra nguồn cung cấp nhanh chóng, tin cậy giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Dự án còn tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Đồng thời, xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại làm mô hình chuẩn cho khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và các khu vực khác trong nước.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn De Heus Việt Nam và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng với sự chung tay góp sức của các bộ ngành địa phương trong thời gian vừa qua.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng với trồng trọt, chăn nuôi là một ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp không chỉ ở góc độ kinh tế, an ninh lương thực, mà còn tạo công ăn việc làm sinh kế của gần 10 triệu hộ nông dân.

Thời gian tới nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Nhu cầu có sản phẩm chăn nuôi trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn rất lớn, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển và hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

 

“Việc khởi công Tổ hợp Khu nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao này không chỉ có ý nghĩa khởi động một dự án quan trọng đối với doanh nghiệp, mà còn mang ý nghĩa mở ra triển vọng đánh dấu một bước phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.


Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm