Đắk Lắk chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Diana Unicharm ủng hộ 2 tỷ đồng chống dịch Covid-19 / Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí gần 600 khách hết hạn cách ly về Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh
Sau cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức, thương hiệu tinh nghệ EPIS đang dần khẳng định được vị trí trên thị trường.
Chị Lê Thị Thư, giám đốc Công ty TNHH thương mại EPIS ở xã Ea Pil, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ chỗ chỉ bán nhỏ lẻ qua online, đến nay, các sản phẩm tinh bột nghệ, son dưỡng, mặt nạ và xà bông chiết xuất củ nghệ của EPIS đã có lượng đơn hàng ổn định, trung bình 500 sản phẩm mỗi tháng. Với sự hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk, chị đang định hướng mở rộng sản xuất lên 2000 sản phẩm mỗi tháng.
“Trong quá trình làm việc tôi cũng được hỗ trợ về pháp lý sao cho chuẩn để việc nhận vốn một cách tốt nhất và hợp pháp nhất. Ngoài ra, Quỹ cũng đã hỗ trợ về định hướng doanh nghiệp và thông tin để hoàn thiện thêm hồ sơ thông tin công ty. Đối với nguồn vốn được hỗ trợ thì sẽ mở rộng thêm về mô hình sản xuất, cơ cấu công ty về quản lý nhân sự cho phù hợp và có các showroom, cửa hàng để trưng bày phân phối sản phẩm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, là 3 thị trường mà hiện tại sản phẩm đang bán chạy nhất”, chị Lê Thị Thư nói.
Chị Lê Thị Thư và gian hàng giới thiệu các sản phẩm thương hiệu EPIS. |
EPIS là một trong 2 dự án khởi nghiệp của thanh niên nhận được sự hỗ trợ vốn từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk số 1 - vừa ra mắt hồi đầu tháng 3. Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) cho biết, việc tỉnh Đắk Lắk thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo số 1 sẽ khai thông nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này.
“Thứ nhất là huy động các nguồn lực trong đó có các nguồn lực từ phía các cơ quan ban ngành như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ để hỗ trợ cho các dự án trong việc sau khi được nhận quỹ thì các bạn có thể nhận được những gì nữa. Thứ hai là kêu gọi những nhà đầu tư ngoài tỉnh Đắk Lắk về đây, bao gồm các nhà đầu tư liên quan đến các giải pháp về công nghệ để đồng hành với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo Tây Nguyên và đưa nguồn vốn công nghệ và thành lập quỹ công nghệ. Thứ ba, chúng tôi đang triển khai nhắm tới việc đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu khoa học tại các trường đại học”, ông Nguyễn Việt Đức cho biết.
Cùng với thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, từ năm 2018, tỉnh Đắk Lắk đã đưa vào vận hành Không gian làm việc chung về khởi nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm khởi nghiệp với nhà đầu tư và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Điểm nhấn là Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018 và Ngày hội khởi nghiệp năm 2019 với nhiều cơ hội kết nối đầu tư, dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ khởi nghiệp. |
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, cùng với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tạo một nguồn lực rất cơ bản cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các giải pháp được đưa ra một là sẽ có những môi trường thuận lợi khi thực hiện theo các định hướng của Chính phủ. Thứ hai là tạo nhiều nguồn lực mới để hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với sự phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Tích cực kêu gọi đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực có lợi thế như du lịch, năng lượng, nông nghiệp sẽ là một nguồn lực rất quan trọng lan tỏa cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk”, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo