Đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo doanh thu trung bình cao hơn 20% / ‘Nữ tướng’ Tống Kim Giao: VJBA thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam – Nhật Bản
Tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp
Ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 990 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo công điện, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, đến ngày 11/10, mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%). Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán năm.
Đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Rà soát kỹ lại và triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng. Tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Triển khai các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Chủ động đề xuất giải pháp về miễn, giảm thuế
Với Bộ Tài chính, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài Nhà nước.
Tiếp tục có các biện pháp thực hiện tích cực, hiệu quả tăng thu, giảm chi. Các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Chủ động đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong năm 2024, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán Quốc hội giao.
Thực hiện việc hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời và theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật về thuế.
Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp…
Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế…
End of content
Không có tin nào tiếp theo