Hỗ trợ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo doanh thu trung bình cao hơn 20%

DNVN - Chia sẻ tại hội nghị “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ngày 18/10, TS Nguyễn Hữu Cẩn - Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) cho rằng, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo doanh thu trung bình cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp / Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu Sản phẩm thương mại đặc trưng của TP Đà Nẵng

Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” của Viện VIPRI. Nhiệm vụ này thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST và những đề xuất, khuyến nghị về việc sử dụng thông tin SHCN hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Đồng thời, là cơ hội để các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT của Viện VIPRI và đối tác tiếp nhận yêu cầu tư vấn, thực hiện tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN.

Các đại biểu tham dự hội nghị “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ảnh: Hà Anh.

Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Hữu Cẩn - Viện VIPRI cho rằng, có 3 dạng tài sản trí tuệ có giá trị nhất, bao gồm cơ sở dữ liệu khách hàng (chiếm 42%), công nghệ sản phẩm (chiếm 40%) và thông tin nghiên cứu và phát triển R&D (chiếm 23%).

Theo khảo sát từ hơn 127.000 công ty từ 28 nước thành viên EU trong 13 năm (2007-2019), các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ.

ThS Bùi Tiến Quyết - Viện VIPRI nêu rõ thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghệ (SHCN). Mục đích sử dụng, khai thác thông tin SHCN là nhằm tránh xâm phạm quyền SHCN đối với các đối tượng SHCN đã được bảo hộ của chủ thể khác. Giúp đánh giá khả năng bảo hộ của các đối tượng SHCN (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ).

Đồng thời, phản đối việc cấp văn bằng cho các đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, kể cả sau khi đã được cấp bằng. Tránh được các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật đã biết. Giúp doanh nghiệp xác định và đánh giá công nghệ để mua, bán và chuyển giao công nghệ cũng như xác định các công nghệ thay thế.

Gian hàng trưng bày sản phẩm sở hữu tài sản trí tuệ của doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Hà Anh.

Tuy nhiên theo ông Quyết, việc sử dụng, khai thác thông tin SHCN chưa hiệu quả; công cụ hỗ trợ sử dụng, khai thác thông tin SHCN chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do thiếu thông tin và thiếu tính cập nhật. Đặc biệt chưa có nhiều tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ, tư vấn về sử dụng và khai thác thông tin SHCN hiệu quả.

Điều này dẫn tới việc tỷ lệ đơn đăng ký được cấp văn bằng bảo hộ chưa cao. Việc bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ gặp nhiều khó khăn, từ xin phê duyệt và báo cáo nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho tới hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chuyển giao quyền SHTT.

Bởi vậy, theo ông Quyết, việc sử dụng, khai thác thông tin SHCN là cần thiết phục vụ phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ, bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Để sử dụng, khai thác thông tin SHCN hiệu quả cần có cơ sở dữ liệu với thông tin được cập nhật, đầy đủ và kịp thời.

Cần phối hợp để phổ biến, hướng dẫn khai thác hiệu quả thông tin SHCN với sự hợp tác của nhiều bên. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ông Đàm Quang Thắng – Giám đốc của BizCare giới thiệu về chương trình ươm tạo của BizCare. Ảnh: Hà Anh.

Giới thiệu tại sự kiện về chương trình ươm tạo của BizCare, ông Đàm Quang Thắng – Giám đốc của BizCare cho biết, đây là chương trình full-time, toàn diện kéo dài từ 6-12 tháng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, BizCare cung cấp các giải pháp ươm tạo và tăng tốc; đào tạo và nâng cao năng lực và giới thiệu cho doanh nghiệp các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến khởi nghiệp, ĐMST.

“Chúng tôi cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp tạo tác động xã hội khóa huấn luyện chất lượng. Đây là cơ hội giao lưu mạng lưới vượt trội cho các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng”, ông Thắng nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm