Hỗ trợ doanh nghiệp

Đẩy mạnh đầu tư, giao thương các doanh nghiệp hai nước Việt - Trung

DNVN - Với mong muốn gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đoàn công tác Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế cùng các DN tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc đã sang Việt Nam dự hội nghị "Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc)" chiều 1/6 tại Hà Nội.

Thanh niên công nhân cần phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh / Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang tuyển kỹ sư, công nhân tại Nghệ An

Dư địa hợp tác còn rất lớn
Tại hội nghị "Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc)" chiều 1/6 tại Hà Nội, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại chiều Việt Nam – Sơn Đông đạt gần 14 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.
"Có thể nói, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông còn rất lớn", ông Chiến đánh giá.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi Tô Ngọc Sơn cho biết, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của DN hai bên.

Các DN Sơn Đông (Trung Quốc) kết nối giao thương với DN Việt Nam.
Những năm qua, nền kinh tế và DN hai nước đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, DN hai bên không có cơ hội giao thương tiếp xúc trực tiếp để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Ông Sơn bày tỏ tin tưởng rằng những hoạt động như hội nghị hôm nay sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường mới, khai thác tiềm năng hợp tác, kết nối cộng đồng DN hai bên.
Đánh giá về thế mạnh của Sơn Đông, ông Lâm Nguyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết, với tổng sản phẩm trên địa bàn xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc, Sơn Đông là một thị trường giàu tiềm năng. Đây cũng là tỉnh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng...
"Có mặt tại hội nghị hôm nay là những DN có uy tín, đa phần là các DN hàng đầu của tỉnh Sơn Đông với thực lực lớn mạnh, hàm lượng kỹ thuật cao. Các DN rất mong muốn được hợp tác với các DN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực", ông Lâm Nguyên nói.
Tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông phát triển ổn định, bền vững, hai bên nên khuyến khích và tích cực tổ chức DN tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi bên để hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.
Ông Chiến đề nghị phía Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch.
"Về phía Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các DN tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với các DN Việt Nam nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và DN của mỗi nước", ông Chiến cho hay.
Trong khi đó, ông Tô Ngọc Sơn khuyến nghị DN chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc.
Các DN Trung Quốc nói chung, Sơn Đông nói riêng hỗ trợ các DN nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Trong khuôn khổ hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác giữa DN Việt Nam và DN Sơn Đông cùng chương trình giao thương DN với sự tham gia của hơn 200 DN trong 5 lĩnh vực chính: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su – phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm