Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19
DNVN - Cho rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, có thể bùng phát trở lại ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, các hiệp hội ngành hàng công nghiệp đưa ra một loạt đề xuất. Trong đó nhấn mạnh cần tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kiến nghị Chính phủ có chương trình vay vốn trung, dài hạn dành riêng cho doanh nghiệp du lịch / Doanh nghiệp "khóc ròng" vì cước vận tải và giá xăng dầu liên tục tăng phi mã
Cục Công nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng công nghiệp cho biết, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Các hiệp hội ngành hàng công nghiệp kiến nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các hiệp hội ngành hàng công nghiệp, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Một số hướng dẫn về thích ứng với dịch COVID-19 trong bối cảnh mới tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể. Từ đó gây ra một số khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp khi áp dụng, đặc biệt là quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất. Quy trình cách ly, phòng dịch đối với các đối tượng chưa được tiêm vaccine, các đối tượng F1, F2. Chưa có các hướng dẫn thống nhất về việc theo dõi sức khỏe tại nhà…
Một số địa phương vẫn còn tình trạng áp dụng không thống nhất các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới khi. Theo đó, vẫn duy trì các chốt kiểm soát, gây khó khăn cho các hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất cũng như di chuyển của người lao động.
Mặt khác, các quy định về phòng dịch hiện nay vẫn đang làm phát sinh nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp rất cần nguồn tài chính ổn định để đáp ứng các đơn hàng mới khi phục hồi sản xuất những tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, theo các hiệp hội ngành hàng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính (miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí…), tín dụng, an sinh xã hội (các chính sách về bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động…) cho doanh nghiệp và người dân còn nhiều vướng mắc, chậm trễ trong quá trình áp dụng và chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Trước những khó khăn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng công nghiệp đề xuất cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động duy trì và sớm triển khai bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao độ
Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng dịch trong tình hình mới để các doanh nghiệp thống nhất và chủ động áp dụng.
Đặc biệt, cần tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch. Trong đó có việc xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nội bộ doanh nghiệp (không phục vụ mục đích thương mại), tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Ngoài ra, cần có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc – đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Nhà nước cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất.
Nhà nước cũng cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ như hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo