Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về chi ngân sách Nhà nước 2022 hỗ trợ doanh nghiệp

DNVN - Cho rằng dịch COVID-19 có thể kéo dài, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) kiến nghị Chính phủ cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Theo đó, cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi ngân sách nhà nước 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều điểm mới trong quy định kiểm soát giá và tiêu chuẩn trang thiết bị y tế / PGS.TS Giang Thanh Long: Cần cung cấp động lực cho doanh nghiệp để giữ chân công nhân

Những thay đổi tích cực
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 do Bộ Tài chính soạn thảo và trình Quốc hội, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) đã đưa ra khuyến nghị cho Bộ Tài chính và Văn phòng Quốc hội về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022.
Khuyến nghị được xây dựng bởi Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), hai thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP). Nội dung của bản khuyến nghị này được tổng hợp dựa trên ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội, thanh niên, người lao động, chuyên gia và các cơ quan truyền thông về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022.
Theo BTAP, so với dự toán NSNN năm 2021, Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022 có một số thay đổi tích cực khi Dự thảo có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi thu chi tiêu NSNN, có thuyết minh về thay đổi các khoản thu, chi chính. Dự thảo cũng đã có đánh giá và so sánh với ước thực hiện 2021 về thu và chi cân đối NSNN.
Dự thảo NSNN đã thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 có 3,4 %. Các khoản thu chính cũng được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm so 4 % so với cùng kỳ.
Về dự toán chi cân đối NSNN, bản dự thảo đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét. Chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách như y tế, an sinh xã hội phát sinh mới là cần thiết và hợp lý.
Dự thảo không chi tiết về chi đầu tư
BTAP cho rằng, bối cảnh của năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, cần thảo luận nhiều hơn về các vấn đề ngân sách trong Dự thảo dự toán NSNN năm 2022 để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh.
Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021.

BTAP kiến nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về chi ngân sách nhà nước 2022 hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Theo đánh giá của BTAP, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng 6-6,5% so với năm 2021 là khá lạc quan và khả năng ấy có thể xảy ra. Song, trong bối cảnh bất trắc của biến thể COVID-19 và năng lực kiểm soát dịch ở các địa phương, cần phải có kịch bản cho các tình huống rủi ro hơn, với những biến động bất thường của các biến số vĩ mô chính, như tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn 6% trong khi lạm phát tăng cao hơn 4%.
BTAP nhận định, Dự thảo NSNN 2022 không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên. Do đó, rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho khoa học công nghệ, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không.
Cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2022 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương vì đầu tư công là một trong những nhân tố cơ bản hỗ trợ tổng cầu giúp hồi phục kinh tế 2022. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây, giải ngân đầu tư công thường xuyên không đạt dự toán làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Cho rằng việc ban hành các chính sách an sinh hỗ trợ cho người lao động sẽ làm tăng chi tiêu từ cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, BATP nhấn mạnh cần có những thảo luận chi tiết về nguồn lực hỗ trợ từ trung ương cho địa phương...
Các gói hỗ trợ còn nhiều bất cập
BTAP nhận xét, năm 2021, nhiều chính sách quan trọng chưa có tiền lệ đã được ban hành như Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP để từng bước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Đánh giá cho thấy, bên cạnh các điểm tích cực thì các gói hỗ trợ được triển khai trong thời gian vừa qua vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 theo Nghị quyết 68 thiết kế có qui mô nhỏ (2.533 tỷ đồng), thấp hơn rất nhiều so với qui mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42 (35.880 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ tiền mặt trong năm 2021 đã bỏ qua các nhóm đối tượng yếu thế - những người cần hỗ trợ nhất: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và bổ sung một số nhóm đặc thù phạm vi hẹp không phản ánh hết phạm vi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nghị quyết 68 đã phân cấp, phân quyền xuống địa phương để tạo sự linh hoạt nhưng độ bao phủ chính sách chưa xác định và có khả năng tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách đối với lao động tự do - đối tượng chịu tổn thương nhanh và nhiều nhất. Điều này hạn chế đáng kể khả năng đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư.
Trong khi đó, cơ chế phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương một cách cào bằng sẽ gây khó khăn cho các tỉnh nghèo, có nhiều lao động di cư, trong quá trình thực hiện cứu trợ và hỗ trợ tại địa phương. Vì vậy, cần có sự linh hoạt trong điều tiết ngân sách giữa các tỉnh có tính chất nguồn lực lao động khác nhau (tỉnh cung cấp lao động di cư khác với tỉnh sử dụng lao động di cư).
Thêm vào đó, mức hỗ trợ hiện còn thấp, không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ tác động của đại dịch COVID-19 tới người lao động. Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu. Còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu qui định của Nhà nước.
Qui định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người dân/người lao động.
Cũng theo BTAP, hầu hết các tỉnh không tự chủ ngân sách gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hiện có (quỹ dự phòng) để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt do cùng lúc phải chi các khoản kinh phí để phòng chống dịch
Xem xét các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch
BTAP nhận định, dịch COVID-19 còn có thể kéo dài, phức tạp và nguy hiểm hơn. Do vậy, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Theo đó, cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp của các nhóm yếu thế, trong đó có doanh nghiệp của người khuyết tật và người dân vượt qua đại dịch.
Xem xét các khoản chi hỗ trợ cho đào tạo lại lao động, đẩy nhanh quá trình lao động trở lại các thành phố và khu công nghiệp...
Đặc biệt, BTAP đưa ra một số lưu ý trong việc thiết kế, triển khai các gói chính sách hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. Đó là tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thực hiện càng sớm càng tốt; tiếp cận theo cách phổ cập nhóm; mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng.
Đảm bảo ngân sách hỗ trợ để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương. Đặc biệt là các địa phương chưa tự chủ ngân sách. Giám sát quá trình thực thi chính sách hỗ trợ để đảm bảo các khoản hỗ trợ được thực hiện nhanh, đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi chính sách hỗ trợ để hạn chế trùng lắp, gian lận và đảm bảo tính kịp thời của các gói hỗ trợ. Cần điều chỉnh chính sách về nộp bảo hiểm xã hội để đảm bảo khi người lao động buộc phải nghỉ việc do phải đi cách ly (14-21 ngày) thì vẫn được đóng bảo hiểm xã hội, không bị gián đoạn (theo quy định hiện hành).
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm