Hỗ trợ doanh nghiệp

ĐBSCL loay hoay giãn cách, kinh tế “đóng băng”, doanh nghiệp “chết” lâm sàng

DNVN - Sau 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 71.000 ca nhiễm, cao nhất là Long An: 30.328 ca, Tiền Giang: 13.059 ca, Đồng Tháp: 8.132 ca, TP Cần Thơ: 5.225 ca… Nhiều tỉnh, thành tiếp tục “đóng cửa”, giãn cách kéo dài khiến hoạt động kinh tế “đóng băng”, doanh nghiệp "chết” … lâm sàng.

Doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA thông qua / Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL

Tỉnh Long An là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện ca nhiễm COVID-19 vào ngày 28/5 (theo công bố của Bộ Y tế) liên quan đến ổ dịch Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng (chưa được phép hoạt động) tại TP Hồ Chí Minh. Còn TP Cần Thơ là địa phương cuối cùng của vùng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 8/7, nhưng dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp.

Trải qua hơn 60 ngày giãn cách xã hội nhưng nhiều địa phương vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, thiếu giải pháp phù hợp khiến dịch bệnh vẫn bùng phát ngoài cộng đồng.

Loay hoay giãn cách

Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản khẩn chỉ đạo 19 tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng cường các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Đến ngày 20/9, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã trải qua hơn 60 ngày giãn cách xã hội nhưng nhiều địa phương vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, thiếu giải pháp phù hợp khiến dịch bệnh vẫn bùng phát ngoài cộng đồng và tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó có 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang bị Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến “truy bài” những người đứng đầu chính quyền địa phương vì không nắm sát sâu dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu phải nắm sát diễn biến tình hình dịch bệnh, có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9.

Đặc biệt, ngày 15/9, Bộ Y tế có Công điện 1409 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể như: thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...

Tuy nhiên, tối 17/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường ban hành văn bản số 4007 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian 7 ngày (đến 25/9) trên phạm vi toàn quận đối với 5 quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt. Như vậy 3 quận trung tâm Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy tiếp tục thực hiện đợt giãn cách thứ 6 (tính từ ngày 12/7) với tổng thời gian lên đến 76 ngày (tính đến ngày 25/9).

Trong khi 5 quận áp dụng Chỉ thị 16 nêu trên có tổng số 42 phường/xã với 300 khu vực/ khóm/ ấp, thì chỉ có 41 khóm/ấp có nguy cơ và nguy cơ cao. Đặc biệt, quận Ô Môn có 7 phường với 79 khu vực thì chỉ có 1 khu vực nguy cơ cao (khu vực 3) ở phường Châu Văn Liêm, tất cả các phường còn lại đều là vùng xanh/bình thường mới, 4 quận còn lại cũng có nhiều phường “xanh”.

Ông Trần Việt Trường giải thích: “Công điện 1409 của Bộ Y tế là nói về việc phong tỏa hẹp hay phong tỏa rộng. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói, “Có 1 khu phố thôi mà phong tỏa cả xã, cả phường; có một xã thôi mà phong tỏa luôn cả huyện”. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là bao trùm toàn bộ tất cả các mặt của đời sống xã hội. Việc phong tỏa chỉ là 1 vấn đề nhỏ nằm trong đó. Do vậy, việc phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, và áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 là 2 việc hoàn toàn khác nhau”.

Còn tại Long An, hiện đang có TP Tân An và một phần các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa vẫn đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 cho đến hết ngày 20/9. Tuy nhiên, tỉnh này đã yêu cầu các địa phương xem xét không tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, đã giao cho các huyện, thị xã, thành phố phân tích, đánh giá lại bảo đảm sát với thực tế tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn và đề xuất các phương pháp giãn cách xã hội tiếp theo một cách phù hợp, càng chia nhỏ để kiểm soát càng tốt.

Mở cửa lại sớm 1 ngày hay thì 1 ngày

Các chuyên gia đánh giá, bức tranh kinh tế ĐBSCL đã trở thành màu xám, khi có hơn 12.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (ngưng hoạt động, chờ giải thể, phá sản) chỉ trong vòng 3 tháng cao điểm của dịch COVID-19. Toàn vùng có 75.000 doanh nghiệp lớn nhỏ nhưng hiện chỉ còn chưa tới 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Ông Trần Khắc Tâm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây hao tốn cho doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao, khó khăn cho người lao động trong sinh hoạt. Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng nhưng có một số doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì, không trụ nổi. “Dự kiến thời gian tới, có khả năng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tiếp tục rời thị trường, nhất là khi các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm khắc hơn. Với tình hình hiện tại, dự báo ít nhất đến giữa quý IV/2021, doanh nghiệp sẽ vẫn còn khó khăn. Tình trạng đóng băng hoạt động kinh tế kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp đã chết… lâm sàng”, ông Trần Khắc Tâm quả quyết.

Theo ông Võ Quốc Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, đồng Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL, giãn cách kéo dài rất nguy hiểm, chúng ta xác định phải sống chung với dịch bệnh này. Nếu địa phương không “mở cửa” thì doanh nghiệp không hoạt động được nữa. “Mở cửa” mà không có sự đồng bộ, 1 tỉnh không mở thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động. Nên mở cửa lại, sớm 1 ngày thì hay 1 ngày, đồng bộ cả vùng, cả nước.

Sau 2 tháng giãn cách kéo dài đã khiến các hoạt động kinh tế “đóng băng”, doanh nghiệp ĐBSCL đều đã … chết “lâm sàng”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp Việt Nam đề nghị, chống dịch nhưng cũng phải cho kinh tế hoạt động. Nhất là những người, ngành nghề liên quan đến các chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu. Hàng năm, lượng hàng xuất khẩu tăng vào tháng 9-10 vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng bán dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có hàng thì thì họ tìm hàng ở nước khác. “Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL mà không được hoạt động bình thường mới sớm thì kinh tế cả vùng sẽ bị thiệt hại”, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.

Chiều 18/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, không chỉ ở những huyện vùng xanh, Cần Thơ có thể mạnh dạn nới lỏng giãn cách, cho phép các hoạt động trở lại ở các xã, ấp “vùng xanh” nằm trong quận “vùng đỏ”, cho người dân trở về tình trạng bình thường mới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, không riêng Cần Thơ mà một số tỉnh, thành phía Nam đang đứng trước sức ép lớn là sức khỏe người dân và mở cửa sản xuất. “Giãn cách lâu, người dân khó khăn, doanh nghiệp khó khăn. Cần làm từng bước, chắc chắn, an toàn, nhưng phải mạnh dạn. Tập trung làm nhanh hơn, đúng trọng tâm trọng điểm. Đối với khu vực xanh, an toàn, đi vào sản xuất, nhưng phải cẩn thận. Nếu đã an toàn, thì không trì hoãn, không đẩy mạnh sản xuất là không tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Tín hiệu tích cực

Sóc Trăng là tỉnh được Bộ Y tế đánh giá phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả tốt, với nhiều giải pháp sát hợp thực tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ. Sóc Trăng cũng là tỉnh đầu tiên trong vùng lập lại trạng thái bình thường từ 0h ngày 16/9, đưa nhịp sống, sinh hoạt, sản xuất sang một bước ngoặt mới.


Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm