Hỗ trợ doanh nghiệp

Đề xuất 7 giải pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp thuỷ sản

DNVN - Trong báo cáo vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề cập tới 7 vướng mắc chính của doanh nghiệp trong ngành, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuỷ sản trong quý II/2024.

Sản phẩm OCOP Đà Lạt thu hút sự quan tâm, trải nghiệm / Vì sao Đà Nẵng được chọn thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam?

Phúc đáp công văn số 71 ngày 4/6 của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả hoạt động quý II và phương hướng nhiệm vụ quý III, IV/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Theo VASEP, 7 vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cần được tháo gỡ trong quý II/2024.

Thứ nhất, áp trần chi phí lãi vay. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết. Từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

VASEP kiến nghị hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán… để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Thứ 2, chính sách thuế TNDN đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm đưa vào văn bản quy phạm pháp luật việc xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế TNDN theo tinh thần văn bản số 2550 ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính và văn bản số 9494 ngày 6/9/2023 của Bộ Tài chính.

Thứ ba, thời gian cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá.

Hiện nay, việc cấp S/C tại các cảng cá sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2-3 tháng – ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và XK của các DN.

Hiện trạng bất cập này đã được VASEP báo cáo, kiến nghị với Bộ NN&PTNT tại văn bản báo cáo số 01 ngày 9/1/2024.


Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ trong quý II/2024.

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.

Thứ 4, quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về “chuyển mục đích sử dụng” như kể trên tại các thông tư về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của Bộ NN&PTNT để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng cho hàng nhập. Theo đó, đang tạo ra một khoảng trống trong quy định đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.

Do đó, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Thứ 5, vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu vào EU.

Hiện nay, lô hàng thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand chưa được cơ quan thẩm quyền và các đơn vị thuộc Cục ghi nhận là đáp ứng yêu cầu nhằm giải quyết các thủ tục cần thiết (cấp H/C) cho việc xuất khẩu lô hàng sang EU. Lý do là nội dung trên giấy H/C nhập khẩu cấp bởi cơ quan thẩm quyền New Zealand không đầy đủ/tương thích với mục XI - Chương trình XK thủy sản vào EU ban hành kèm theo Quyết định 5523 ngày 21/12/2023 của Bộ NN&PTNT.

Vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có thỏa thuận với EU.

Bộ NN&PTNT xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày Quyết định 5523 có hiệu lực.

Thứ 6, kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37.

VASEP kiến nghị rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu tại phụ lục V, Nghị định 37/2024; xem xét để điều chỉnh phù hợp lại thông số quy định này với một số loài thông dụng trên.

Báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi phù hợp quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó đề xuất khung tiếp cận như Nghị định 26.

Thứ 7, quy định “không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37 và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho quy định “trộn lẫn” tại Nghị định 38.

VASEP cho rằng, quy định này gây hoang mang cho doanh nghiệp vì khi không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong “cùng một lô hàng xuất khẩu” được hiểu như thế nào mới đúng. Bởi tại Luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019, Nghị định 37/2024 và 38/2024 không có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” kể trên.

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, đánh giá lại và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ phù hợp quy định "không trộn lẫn..." kể trên để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ quy định nhằm thực hiện chống khai thác IUU tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các trách nhiệm và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm