Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp chờ đợi cú hích chính sách để chuyển đổi xanh

DNVN - Theo chia sẻ của nhóm các doanh nghiệp phát thải cao, tín hiệu chuyển đổi xanh của các nhà mua quốc tế đưa đến cho doanh nghiệp ngày càng rõ. Có những nhà mua đã đặt doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc: nếu không có sự chuyển đổi, sẽ rơi khỏi chu trình mua sắm xanh của họ.

Đà Nẵng: Cho rằng quy định hiện hành không phù hợp, chủ du thuyền 'triệu đô' kiến nghị điều chỉnh / Ra mắt Hợp tác xã Thực phẩm Phú Quốc G10

Hiểu biết của doanh nghiệp tăng lên

Bà Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cua Thủ tướng Chính phủ) cho biết, một trong những điều gây ấn tượng trong các hoạt động của cộng đồng DN năm vừa qua là họ đã tích cực chuyển đổi xanh.

2 năm vừa qua, Ban IV đã làm việc rất nhiều với DN liên quan đến câu chuyện chuyển đổi xanh. Ở thời điểm ban đầu, DN còn khá hoang mang do chưa nắm rõ các thông tin, quy định.

Ban IV đã vào cuộc cùng mấy chục hiệp hội DN thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức, cập nhật liên tục các chính sách mới của quốc tế và trong nước và đánh giá xem những điều gì ảnh hưởng trực diện đến DN, đâu là cơ hội, đâu là thách thức.

Sau hơn 1 năm, cho đến thời điểm này, khi nói về chuyển đổi xanh đã có sự phân tầng rất rõ. Đã có những hành xử mang tính chủ động từ nhiều nhóm DN. Mức độ hiểu biết tăng lên, hành động cũng bắt đầu gia tăng.

Trong những ngành, lĩnh vực cụ thể, theo những DN tiên phong, dẫn dắt trong bài toán chuyển đổi, có thể ở những bước đi đầu tiên này, họ chưa biết quá rõ thế nào là đúng là sai, nhưng họ nhận ra rằng ai đi sớm thì người đó có cơ hội. Do đó, những DN trong các lĩnh vực cụ thể đã bắt đầu có những bước đi.


Mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh tăng lên, theo đó hành động hoạt động xanh hoá cũng bắt đầu gia tăng.

Ví dụ, hiện tại trong lĩnh vực nông lâm thuỷ hải sản, đã có những DN tạo ra các quy trình sản xuất lúa gạo phát thải thấp. Câu chuyện của Lộc Trời là ví dụ điển hình. Lộc Trời đã được 3 tổ chức quốc tế vào đánh giá, thẩm định khách quan.

Trong lĩnh vực cà phê cũng đã có mô hình cà phê phát thải thấp theo tiêu chuẩn sạch của các nhà mua quốc tế.

Hay trong lĩnh vực thuỷ sản, Ban IV cũng đã có cơ hội được trao đổi với DN trong mảng tôm. Trước đây, ngành tôm có rất nhiều phế phụ phẩm được cho là không có nhiều giá trị nhưng bây giờ đã có những công ty tận dụng để chuyển thành sản phẩm giá trị cho ngành dược hoặc thực phẩm… Ngành cá cũng đã có những ứng dụng để có giải pháp cho ngành mỹ phẩm.

Theo đánh giá của Giám đốc Văn phòng Ban IV, ngành sản xuất gặp khó khăn hơn trong câu chuyện chuyển đổi xanh. Lý do là việc cải thiện quy trình công nghệ không đơn giản, thậm chí có những thứ phải thay thế mới trong bối cảnh DN đang khó về dòng tiền.

Theo chia sẻ của nhóm các DN phát thải cao như thép, tôn lợp, vật liệu xây dựng…, tín hiệu của các nhà mua quốc tế đưa đến cho càng ngày càng rõ. Có những nhà mua đã đặt DN vào tình thế bắt buộc: nếu không có sự chuyển đổi thì sẽ rơi khỏi chu trình mua sắm xanh của họ.

“Một số DN cho biết, chỉ cần thấy nhà mua hỏi đến một số từ khoá liên quan đến “xanh”, họ đã quyết định thay đổi.

Đã có rất nhiều DN thực hiện những bước đi cơ bản đầu tiên. Ví dụ câu chuyện kiểm kê xem DN ở đâu trong bài toán phát thải cao và thấp rồi sau đó dần dần nghĩ tới giải pháp. Như vậy, bản thân DN Việt Nam đã có sự tích cực trong cuộc chơi mới”, bà Thuỷ nhìn nhận.

Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thuỷ cho biết, trong bối cảnh ngành dệt may tăng trưởng khó khăn, Công ty cổ phần May Hồ Gươm sau khi đạt được chứng chỉ xanh bền vững quốc tế, đã tận dụng để duy trì và mở rộng xuất khẩu ở một số thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.

Secoin cũng tập trung phát triển các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững nên cũng có chỗ đứng rất vững chắc, mở rộng được mạng lưới khách hàng theo xu hướng mua sắm xanh.

Doanh nghiệp đợi cú hích từ chính sách

Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, sự thay đổi của DN Việt trong câu chuyện chuyển đổi xanh chưa có trên diện rộng. Phần lớn DN vẫn ở trạng thái cần thêm thông tin, vẫn hỏi làm như thế nào, bao giờ thì có thể bắt đầu. Đặc biệt, DN chờ đợi những cú hích từ phía chính sách của Nhà nước.

“Nếu nói về cơ hội với DN, tôi không nghĩ là dành cho tất cả số đông và đây là diễn biến mang tính bình thường. Tuy nhiên, khi phân tích về mặt chính sách quốc tế, trong nước, chúng tôi nhận thấy so với câu chuyện mang tính lựa chọn và khuyến khích như giai đoạn chuyển đổi số thì yêu cầu “xanh” hiện nay trở thành tình thế bắt buộc. Do đó, Ban IV muốn nhấn mạnh một thông điệp: DN nào đi sớm thì DN đó có lợi.

Định hướng của Chính phủ, cam kết Net Zero của Thủ tướng Chính phủ về câu chuyện này là bài toán rất chiến lược và chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển đổi tích cực trong cộng đồng DN”, bà Thuỷ chia sẻ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm