Tiếp tục cần những chính sách 'trúng' và 'đúng' cho doanh nghiệp
Sản xuất, xuất khẩu qua vùng đáy nhưng còn nhiều khó khăn / Đà Nẵng: Cho rằng quy định hiện hành không phù hợp, chủ du thuyền 'triệu đô' kiến nghị điều chỉnh
Động lực cho doanh nghiệp vượt khó
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN), đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN và cơ quan quản lý Nhà nước, những khó khăn của DN trong năm 2023 đã được xoa dịu bởi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Đại diện cho cộng đồng DN thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP đánh giá cao việc Thủ tướng có quyết định thành lập Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính vào tháng 8/2023.
“Đây là một quyết tâm lớn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ người dân và DN. Đây cũng là trông đợi của hiệp hội và cộng đồng DN thủy sản", ông Nam chia sẻ.
Các kiến nghị hàng tháng của VASEP đã được Văn phòng Chính phủ tổng hợp gửi các nội dung liên quan tới các bộ, ngành cụ thể ngay sau đó, cũng như tổng hợp báo lại cho hiệp hội kết quả phản hồi của các bộ, ngành.
Những thay đổi, cải thiện về chính sách là động lực và sự động viên giúp DN giảm bớt những áp lực khó khăn từ thị trường và những thách thức của năm 2023.
Bà Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) cho biết, thông qua khảo sát, các cuộc giao ban định kỳ với các DN, hiệp hội, Ban IV nhận thấy thông thường DN đánh giá cao hơn những chính sách đi thẳng vào thực tiễn, không bị quá nhiều quy trình, thủ tục xét duyệt, thậm chí có cả cơ chế xin - cho thì mới nhận được sự hỗ trợ.
Cụ thể, có 3 nhóm chính sách được cộng đồng DN đánh giá cao hơn cả. Đó là nhóm chính sách liên quan đến quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; chính sách giãn, hoãn đóng tiền thuê đất. Cùng với đó là giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.
“Đây là nhóm chính sách có tính chất tương đương với hỗ trợ trực diện vào bài toán chi phí của DN bởi vì hạn chế về dòng tiền là câu chuyện rất căng thẳng của DN. Do đó, những chính sách giúp giảm bớt chi phí là DN rất hoan nghênh”, bà Thuỷ chia sẻ.
DN đánh giá cáo nhóm chính sách liên quan tới quy trình mang tính xét duyệt không phức tạp.
Trong khi đó, nhóm chính sách liên quan đến ưu đãi 2% lãi vay là điều DN đánh giá không cao vì cần phải quy trình thủ tục chứng minh, thậm chí có những loại giấy tờ yêu cầu mà DN cho là không khả thi.
DN cũng không đánh giá cao nhóm chính sách hỗ trợ chi phí cho người lao động học nghề, tìm kiếm việc làm…
“Để đánh giá thế nào là chính sách trúng, đúng cần phải nghiên cứu thật kỹ xem DN đang đối diện với khó khăn gì nhất. Trong những khó khăn nhất đó thì đâu là lĩnh vực mà có thể dùng chính sách để hỗ trợ”, bà Thuỷ nêu.
Cần có chính sách mở đường
Giám đốc Văn phòng Ban IV chia sẻ, theo phản ánh của DN, những khó khăn mà DN nêu ra trong đánh giá giữa năm 2023 vẫn lặp lại trong đánh giá cuối năm 2023.
Đầu tiên, DN nhắc đến câu chuyện đơn hàng của thị trường. Đơn hàng của thị trường là bài toán không dễ để can thiệp khi phần lớn DN phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu.
Tuy vậy, theo DN và các hiệp hội DN, ngành hàng, cơ quan quản lý vẫn có thể có cách thức để hỗ trợ trong bối cảnh việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá… của các nước ngày càng gia tăng.
“Bài toán này cần có sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước, DN không thể tự mình giải quyết được. Đây là vấn đề mà VASEP, các DN gỗ, dệt may, các ngành có sản phẩm xuất khẩu đều nêu rất nhiều”, Giám đốc Văn phòng Ban IV nhìn nhận.
Theo bà Thuỷ, một bài toán nữa của thị trường, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ DN, đó là mở thị trường mới, mặc dù Ban IV nhận thấy DN không có tâm lý chờ đợi.
“Tất cả những cơ hội nào có thể mở thị trường thì DN đều tập trung nhưng họ vẫn kỳ vọng rằng với những thị trường mới thì bên cạnh nỗ lực tìm kiếm của DN, cần có những thúc đẩy mang tính chiến dịch từ phía Nhà nước. Không phải cứ ký FTA là xong, DN có thể tận dụng được ngay. Cần phải có câu chuyện mở đường, mở lối để DN tiếp cận thị trường thuận lợi”, bà Thuỷ gợi ý.
Bài toán dòng tiền là câu chuyện mà DN kỳ vọng ở chính sách trong nước hơn cả. Trong các kỳ báo cáo, Ban IV luôn đề nghị khoản thời gian hỗ trợ các chính sách liên quan đến tiết giảm chi phí dài hơn một chút để DN có cơ hội tích luỹ và bù đắp, gia tăng một chút nội lực để DN có thể ứng phó với khó khăn.
“Chúng tôi hiểu phía Nhà nước có rất nhiều áp lực cần phải cân nhắc giữa bài toán vĩ mô với câu chuyện hỗ trợ DN cụ thể. Nhưng rõ ràng nếu như chúng ta coi năm 2024 vẫn phải là năm bồi đắp năng lực cho DN ứng phó với khó khăn thì chúng tôi mong các chính sách trúng và đúng vào vấn đề DN đang lo lắng nhất”, Giám đốc Văn phòng Ban IV nhấn mạnh.
Thực thi chính sách cần được cải thiện
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trịnh Thị Hương - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, DN đối diện với những khó khăn lặp đi lặp lại trong bối cảnh hiện nay.
Với đặc điểm của DN Việt Nam đa phần là DN có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ nên thường có những tồn tại, hạn chế lặp đi lặp lại, có thể điểm ngay được. Đó là vốn, thị trường, năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực…
“Tình hình phát triển của DN hiện nay chịu tác động từ những yếu tố trong và ngoài nước, làm cho khó khăn của DN càng trở nên búc xúc hơn. Như thời điểm vừa rồi, câu chuyện thị trường và dòng tiền với DN trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Chính phủ đã kịp thời lắng nghe và có những hành động nhanh chóng với những chính sách hỗ trợ về thuế và giảm lãi suất. Đấy là những liều thuốc cấp cứu ngay lập tức”, bà Hương nói.
Giải pháp của Chính phủ bao giờ cũng đưa ra hai nhóm giải pháp, đó là nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhóm giải pháp ngắn hạn mang tính chất liều lượng kịp thời, tiếp sức ngay lập tức cho DN để DN có thể tồn tại.
Còn trong dài hạn, chính sách cũng không thể xa rời thực tế, ở một góc độ nào đó, dường như các giải pháp bị lặp lại nhưng không phải vậy, mà mang tính chất kế thừa và tầm nhìn dài hơi.
Giải pháp dài hơi của Chính phủ để đồng hành cùng DN là gì? Đó là chính là tăng cường năng lực cạnh tranh của DN lên để DN khoẻ lên thì mới có thể hấp thụ được dòng vốn, nguồn tín dụng đó.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận được sự phối hợp rất tích cực của các bộ, ngành và địa phương. Dù vậy, ở một số nơi do hạn chế về nguồn lực nên thực sự có nơi có chỗ còn lúng túng, triển khai còn chậm. Do đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh, cải thiện để hoạt động thực thi chính sách về hỗ trợ DN một cách hiệu quả trong thời gian tới”, bà Hương chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam