Hỗ trợ doanh nghiệp

Triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp: Còn nhiều khó khăn, thách thức

DNVN - Báo cáo của Ban IV chỉ ra rằng, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số hơn 2.700 DN tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023. 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều thách thức do cước vận tải biển tăng cao / Chương trình hỗ trợ tuân thủ pháp luật hải quan ngày càng thu hút doanh nghiệp

Báo cáo về tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại. Tuy vậy, niềm tin này rất cần được vun đắp trong năm 2024 bởi doanh nghiệp vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn.

Niềm tin cải thiện

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa trình Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN) cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024.

Kết quả khảo sát nhanh trực tuyến thực hiện vào đầu tháng 12/2023 cho thấy, mặc dù thời kỳ khó khăn của các DN vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại.

So với các con số của khảo sát tháng 4/2023, tình hình của DN đã lạc quan hơn, thể hiện niềm tin đã quay trở lại.

Cụ thể, tỷ lệ DN đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát tháng 4. Tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần. Tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần. Tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần. Tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4. Điều này phản ánh rõ nét niềm tin của DN đã dần quay trở lại.

70% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế

Tuy nhiên, báo cáo của Ban IV chỉ ra rằng, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong tổng số hơn 2.700 DN tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023. 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024.


Gần 70% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể 11,8%, dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,2%, dự kiến giảm mạnh quy mô là 28,2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,6%.

Trong số các DN dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% DN dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Đặc biệt, so với khảo sát tháng 4, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác.

Tháng 4/2023, có 5837 DN ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và 1509 DN hoàn tất thủ tục giải thể thì đến tháng 12/2023 có 8.687 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.866 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Vun đắp niềm tin

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, năm 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của DN đã bị bào mòn.

“Trong báo cáo này, ngoài câu chuyện khẳng định niềm tin đã quay trở lại, chúng tôi có thông điệp: niềm tin rất cần được vun đắp trong năm 2024 bởi vì DN vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Những đánh giá ở luồng tiêu cực và rất tiêu cực về bối cảnh cuối năm 2023 vẫn còn ở mức rất cao trên 80%. Đến bối cảnh năm 2024 thì có vẻ khá hơn nhưng vẫn ở mức trên 60%”, bà Thuỷ chia sẻ.

Giám đốc Văn phòng Ban IV cho rằng, sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các bộ, ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và DN vượt khó.

Từ kết quả khảo sát, Ban IV đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn.

Trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn và các xu hướng công nghệ xanh, số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất. Hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các DN trong nước dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Cùng với đó, cần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn để hòa nhịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm