Doanh nghiệp công nghiệp chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn
DNVN - Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo nửa đầu năm sụt giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành này tăng cao... là những chỉ dấu cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.
Cần Thơ tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế / CIC Group nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
Tồn kho tăng gần 20%
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nửa đầu năm 2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%, cao hơn mức 78% ghi nhận trong 6 tháng đầu năm ngoái.
Ngành công nghiệp chịu tác động theo xu hướng suy giảm chung của toàn cầu.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Từ thực tiễn tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong nửa đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt những vẫn ở mức cao.
Trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Những khó khăn bên ngoài ngày càng rõ ràng. Kinh tế toàn cầu suy giảm, gia tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, cầu tiêu dùng suy giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.
Nhiều ngành công nghiệp giảm mạnh
Ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.
Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê).
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hàng tồn và tìm kiếm thị trường mới.
"Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn đang ở mức thấp, đặc biệt một số ngành trọng điểm như ngành dệt may da giầy, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, nhóm ngành sản xuất xe có động cơ, phương tiện vận tải khác. Nhóm ngành chế biến gỗ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế có mức giảm liên tục trong mấy tháng gần đây", Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng đánh giá.
Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,8%. Sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%. Sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%... Tuy nhiên, có ngành công nghiệp tăng cao so cùng kỳ như: sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; sản xuất thuốc lá; sản xuất đồ uống...
Cũng theo bà Nga, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giầy, điện tử… lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga-Ukraine vẫn còn tiếp diễn, trong nước sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19 gặp càng nhiều khó khăn.
Đặc biệt là do thiếu vốn, khó khăn về thủ tục vay vốn, lãi suất vay vốn vẫn cao trong khi đầu ra giảm so với năm trước. Lượng tồn kho vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp lao động có tay nghề nghỉ việc từ dịch COVID-19 và chưa quay trở lại làm việc hoàn toàn…
"Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hi vọng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn 6 tháng đầu năm", chuyên gia nhìn nhận.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo