Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp đối mặt 5 nhóm thách thức trong các tháng cuối năm

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các tháng cuối năm 2022 dự kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục đối mặt với 5 nhóm khó khăn, thách thức. Theo đó, cần phải khơi thông ngay các điểm nghẽn để có thể chủ động biến nguy thành cơ, hỗ trợ các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

ABBank Khánh Hòa nhận thế chấp tài sản là Công viên Phù Đổng có đúng quy định? / Đà Nẵng chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút dịch vụ công nghiệp dầu khí

Doanh nghiệp yếu cả về chất và lượng
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN đang diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, khu vực DN thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, DN Việt Nam hiện còn yếu và thiếu cả về chất và lượng.
Dù vậy, người đứng đầu Bộ KH&ĐT thẳng thắn chỉ ra rằng, các DN Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Minh chứng là tỉ lệ DN giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Thiếu vắng các DN có quy mô vừa và lớn. Đa số DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số DN.
Trong khi đó, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tang mạnh trong giai đoạn gần đây...
5 nhóm thách thức
Qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội DN, ngành hàng cho thấy, các tháng cuối năm 2022, cộng đồng DN dự kiến tiếp tục đối mặt với 5 nhóm khó khăn, thách thức.
Một là giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của DN.
Hai là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho DN.

Cộng đồng DN cần được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua khó khăn, thách thức.
Ba là việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của DN.
Bốn là biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh.
Năm là một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm. Các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thuỷ sản, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập.
Thêm vào đó, bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
"Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu lớn cho tất cả chúng ta cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc
Theo đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của DN để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các DN yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ DN chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới.
Trong ngắn hạn, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để. Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ DN đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định...
Trong dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính. Điều chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN theo hướng giảm tối đa cho DN. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN.
Hỗ trợ DN tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm