Doanh nghiệp không "ngồi im" trong đại dịch Covid-19
DNVN - Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã không “ngồi im”. Theo đó, họ đã có các giải pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch; các giải pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh; đồng thời có các giải pháp nhằm bảo vệ, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ 35 doanh nghiệp Việt Nam XK trực tuyến nông sản và thực phẩm sang Trung Quốc / Doanh nghiệp đang làm gì để đối phó Covid-19?
Đây là nhận định của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) sau khi thực hiện cuộc khảo sát doanh nghiệp về giải pháp/hành động tích cực để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 07 đến 13/4/2020 với sự tham gia của 385 DN, bao gồm cả DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua hình thức gọi điện phỏng vấn trực tiếp chủ doanh nghiệp (CEO) và tiếp nhận thông tin các DN điền bảng khảo sát online.
Ban IV kỳ vọng kết quả khảo sát sẽ là cẩm nang bước đầu cho các DN tham khảo, đồng thời cũng sẽ giúp Chính phủ có những thông tin đa chiều về tình hình DN để xây dựng các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.
Một loạt giải pháp chủ động và tích cực của DN
Kết quả khảo sát cho thấy, DN đã có các giải pháp chủ động nhằm phòng, chống dịch bệnh. So sánh với kết quả khảo sát nhanh của Ban IV đầu tháng 3/2020, chỉ có 5% số doanh nghiệp trả lời có chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì tại lần khảo sát này, 100% các doanh nghiệp mà có duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm tại văn phòng đều đã áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.
Ban IV cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im”. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và trong số 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...
Các giải pháp chủ động của DN nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phần lớn doanh nghiệp trong số đó cũng đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe, yêu cầu nhân viên khai báo y tế nếu nghỉ làm quá 3 ngày, lập hồ sơ sức khỏe giao cho bộ phận nhân sự theo dõi hay xây dựng lại quy trình làm việc để phù hợp với tình hình mùa dịch.
15% số doanh nghiệp trả lời có thực hiện kiểm tra nhiệt độ người lao động trước khi vào phân xưởng và khử khuẩn toàn bộ vật tư, phụ tùng phục vụ sản xuất. 13% doanh nghiệp trả lời đã cho phép các lực lượng lao động gián tiếp (như văn phòng, tài chính, kế toán...) hoặc các vị trí có thể áp dụng trực tuyến được phép làm tại nhà để giảm việc tập trung đông người và hạn chế tiếp xúc.
6% doanh nghiệp trả lời đã áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” để đảm bảo an toàn cho mọi người và không đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp. Đây được xem là một trong các giải pháp có tính sáng tạo và rất điển hình để các doanh nghiệp khác tham khảo, học hỏi nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch.
Số doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan, hoặc do khó khăn trong mùa dịch chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.
Cũng theo kết quả khảo sát, DN đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt khó khăn gây ra bởi dịch bệnh. Theo đó, so với thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2020 của Ban IV, chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì trong khảo sát lần này 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online,tư vấn online, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng.
Đối với việc tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới thì trong khảo sát đầu tháng 3/20201 chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ này đã tăng lên 16%.
Nhiều giải pháp tích cực của DN nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh
Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%). Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong
khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.
Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.
Về các giải pháp nhằm bảo vệ, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, Ban IV cho biết, điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần này là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Theo đó, chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp còn 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn; 26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.
Giải pháp bảo vệ NLĐ trong thời dịch bệnh.
Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời này có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng. Một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp trả lời (3%) tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.
Những kiến nghị đáng lưu tâm
Điểm nổi bật trong phần trả lời là phần lớn các doanh nghiệp ủng hộ Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, đồng thời cũng thể hiện sự tích cực và chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất bằng cách tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đưa ra một loạt kiến nghị cụ thể rất đáng lưu tâm:
Chính phủ cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính vì tình hình hàng hóa tồn đọng đang nhiều lên do việc bán bị chậm lại, nhưng thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất với lĩnh vực cấp phép xây dựng còn khó khăn làm hàng hóa không có chỗ để chứa, tháng hạn không mưa nhưng sắp tới mưa xuống hàng hóa công ty chúng tôi không biết phải làm sao, và rất cần các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay”.
Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, đại lý vé máy bay, vận chuyển, các điểm tham quan...: Giãn nợ ngân hàng, giãn thời gian nộp thuế, giãn thời gian nộp BHXH, phí công đoàn; Giảm thuế TNDN, Thuế GTTT, Thuế TNCN; giảm lãi suất cho vay; Giảm phí, lệ phí đặc biệt cho các điểm tham quan 6- 12 tháng sau dịch; Về các chính sách đơn phương miễn thị thực Visa cho các nước EU, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và 1 số thị trường tiềm năng của ngành du lịch: đề nghị phục hồi lại chính sách này ngay khi các nước khống chế & đẩy lùi được dịch Covid-19; tạo thuận lợi cho người dân các nước trên du lịch vào Việt Nam; Có những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và đẩy mạnh quảng bá cả trong ngắn hạn & dài hạn ngay khi Việt Nam & các nước khống chế & đẩy lùi được dịch Covid-19.
Cần tìm kiếm những phương thức làm việc mới để duy trì sản xuất kinh doanh; Chính phủ - doanh nghiệp và người lao động phải cùng chia sẻ các khó khăn với nhau
Chính phủ nên chủ động đẩy mạnh, nhanh việc thảo luận các hợp đồng khẩu trang (vải và y tế) lớn với chính phủ các nước để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp dệt may và nhiều doanh nghiệp SME khác do đây là thời điểm chúng ta đang có rất nhiều lợi thế đối với mặt hàng này, cùng một số mặt hàng bảo hộ khác.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và phát triển công cụ online như bán hàng online, ví điện tử, cho phép công ty viễn thông và người dùng lấy số điện thoại làm tài khoản ngân hàng để giảm chi phí giao dịch ngân hàng. Việc này sẽ cho ra đời nhiều DN mới và mô hình kinh doanh mới từ đó tạo công ăn việc làm mới cho xã hội cũng như giảm chi phí chung cho nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước bỏ giấy tờ không cần thiết khiến DN và người dân phải đi lại tốn thời gian, chi phí như công chứng và chứng thực văn bản v.v... thông qua việc đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Nhiều thủ tục yêu cầu nộp bản sao giấy ĐKKD hay CMT, hộ khẩu v.v... tất cả văn bản này nhà nước đều có tại sao lại yêu cầu doanh nghiệp nộp mỗi khi làm một thủ tục nào đó. Tại sao các cơ quan nhà nước không chia sẻ dữ liệu với nhau để giảm thiểu chi phí này cho DN? Đây là cách làm tốt nhất Nhà nước giúp DN trong mùa dịch.
Về chống suy thoái doanh nghiệp: Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động.
Về chống thất nghiệp: Các kiến nghị vẫn cơ bản xoay quanh một số vấn đề gồm: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh; Hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; Giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo