Doanh nghiệp nhỏ tìm ‘thần chú’ hoá giải khó khăn
Ôtô VinFast nào bán chạy nhất tháng 10/2020? / Doanh nghiệp ASEAN tìm hướng đi sau 'bão' COVID-19
Gần đến cuối năm 2020, các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn hoặc khởi nghiệp cho Star-up lại diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, có không ít thông điệp đáng chú ý từ các cuộc thi này không chỉ dành cho lực lượng cũ mà còn cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ hoặc các DN mới gia nhập thị trường hay DN mới quay trở lại hoạt động sau những tác động của dịch Covid-19.
Quay về giá trị cốt lõi
Tuần trước, tại cuộc thi Khởi nghiệp Startup Wheel 2020 tổ chức ở Tp.HCM, lời khuyên được đưa ra từ các nhà kinh doanh có kinh nghiệm là các DN khởi nghiệp buộc phải quay về giá trị cốt lõi là doanh thu và lợi nhuận khi mà làn sóng khủng hoảng trong năm 2020 đã tấn công trực diện giới khởi nghiệp.
Các DN nhỏ cần được “xốc” lại tinh thần sau khủng hoảng Covid-19. |
Họ cho rằng tại chính thời khắc khó khăn bủa vây này thì các DN nhỏ, DN mới gia nhập thị trường cần nhìn nhận đúng những giá trị cơ bản và trở thành điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề. Mặt khác, khủng hoảng là khó khăn hay khủng hoảng là cơ hội sẽ phụ thuộc vào nhìn nhận vấn đề của các DN.
Các nhà kinh doanh lâu năm cũng có lời khuyên với các DN nhỏ nên tìm về “khoảng lặng” chiêm nghiệm mô hình, đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nhất là tìm về “nốt trầm”, tập trung vào giá trị cốt lõi DN, tối ưu nguồn lực, tinh giản vận hành. Bên cạnh đó, DN cần củng cố nội lực, tăng sức bền để sẵn sàng đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi.
Nếu nhìn vào số DN giải thể, rời khỏi thị trường, tạm ngừng kinh doanh hay những DN mới quay trở lại hoạt động như hiện nay sẽ thấy đó là “bức tranh đầy màu sắc” có cả gam màu sáng lẫn gam màu tối với các DN vừa và nhỏ.
Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 10/2020, cả nước có 5.044 DN quay trở lại hoạt động (tăng 10,4% so với tháng trước và giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi đó, có 3.293 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 0,7% so với tháng trước đó và tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 10 tháng qua có 37,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 148,9 nghìn DN, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Song song đó, trong 10 tháng qua có gần 85,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Xốc” lại tinh thần
Nhìn vào những con số trên, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Trần Thị Thuận, chủ một DN xuất khẩu nông sản ở Tp.HCM, cho rằng chuyện DN gia nhập rồi sau đó rời khỏi thị trường do khó khăn khủng hoảng là quá quen thuộc với các DN nhỏ.
“Nhất là khi các DN nhỏ đang quá tải, “mất sức” trước việc phải đối mặt với muôn vàn việc lớn nhỏ, từ việc lo chuyện sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường… cho đến tìm kiếm mặt bằng, nhà xưởng và các thủ tục hành chính”, bà Thuận chia sẻ.
Cần ghi nhận là trước những thiệt hại, khó khăn mà các DN nội địa đang gánh phải sau tác động của dịch Covid-19 thì có một số địa phương vốn dành sự quan tâm lớn đến khởi nghiệp và DN nhỏ đã tìm cách “xốc” lại tinh thần cho các DN này.
Đơn cử như Đồng Tháp hồi tháng 10/2020 vừa qua đã mở các khóa tập huấn hậu Covid-19 dành cho DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, các HTX làng nghề.
Theo đó, các chuyên gia được tỉnh này mời đến để hướng dẫn cho các DN về cách “quản trị tài chính, mời gọi đầu tư và quản lý dòng tiền”, “Định hướng phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩmkhởi nghiệp từ tài nguyên bản địa” hay cách “bảo quản, chế biến và nâng cấpnông sản thô thành nông sản cao cấp” và “kỹ năng thực hiện tiếp thị trực tiếp kinh doanh sản phẩm”.
Ngoài ra, các DN nhỏ của Đồng Tháp còn được trau dồi các kinh nghiệm về phương thức xúc tiến thị trường và kinh doanh thời Covid -19, ứng dụng đổi mới các phương pháp bảo quản, chế biến nông sản với chi phí thấp hay xây dựng hệ thống phân phối…
Như chia sẻ của chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn, các DN nhỏ muốn vượt khó khăn để đi xa và phát triển bền vững thì cần thiết kế được kênh tương tác thường xuyên để đổi mới.
Hơn nữa, các DN cần cải thiện ở phần đổi mới về mạng lưới. Có nghĩa là các DN cần làm sao liên kết thêm được đối tác, nhà phân phối, đại lý hoặc giữa các DN với nhau để tăng tính kết nối, đồng thời giúp cho sản phẩm của DN ra thị trường tốt hơn.
Theo ông Tuấn, các DN nhỏ, lực lượng khởi nghiệp cũng cần học thêm về cách đổi mới mô hình lợi nhuận, có nghĩa là làm thế nào để đa dạng hoá nguồn thu. Đặc biệt là học hỏi những cách tạo nguồn thu để từ đó có nguồn tài chính, nhiều lợi nhuận hơn, doanh số cao hơn, có được như vậy, mô hình của DNmới bền vững.
Bên cạnh đó, để “hoá giải” khó khăn của các DN nhỏ, giới chuyên gia cho rằng khâu chính sách hỗ trợ cần tiếp tục cân nhắc giúp những đối tượng DN nhỏ dự kiến có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi nhanh chóng.
Đặc biệt là cần giữ chân để các DN nhỏ đóng góp cho khôi phục kinh tế bằng cách đảm bảo họ có đủ nguồn tài lực và nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong nước tăng lên. Và các tổ chức tài chính phải tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và vốn lưu động cho DN theo cách bền vững trong giai đoạn khó khăn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo