Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp phấp phỏng giờ làm thêm

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên giữ nguyên quy định làm việc 48 giờ/tuần, cần xem xét về việc nâng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 400 – 500 giờ/năm với các ngành đặc thù.

Sinh viên làm thêm kiếm chục triệu đồng những ngày cận Tết / Có chính sách tiền lương hài hòa khi làm thêm giờ

Dự kiến ngày 20/9 tới, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó sẽ chính thức trình Quốc hội vào tháng 10/2019. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo vẫn tiếp tục nhận được các ý kiến khác nhau về khung giờ làm thêm, thời gian làm việc tiêu chuẩn, lương lũy tiến…

>> Xem thêm: Sắp ra mắt bộ quà tặng gốm sứ cao cấp đến từ Nhật Bản

Đề xuất nâng số giờ làm thêm

Tại Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi: Những tác động bất lợi và kiến nghị”, ngày 18/9, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, cho biết Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/ năm, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam.

VCCI kiến nghị không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm; đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm.

Về tiền lương làm thêm giờ, VCCI cho rằng tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam đang cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác. Quy định mới sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp (DN) tăng cao, khó quản lý, theo dõi và giảm sức cạnh tranh của DN. VCCI đề xuất lương trả cho người lao động làm thêm giờ được tính: vào ngày bình thường ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết ít nhất bằng 300%.

Trong khi đó, về thời gian làm việc tiêu chuẩn, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sông Hồng, kiến nghị để người lao động làm đủ 48 giờ mỗi tuần. Mặt khác, đề nghị khung làm thêm giờ cho các DN khoảng 450 – 500 giờ/năm là ổn thỏa và đủ an toàn.

“Không ít DN đã phải chịu tổn thất nặng nề vì quy định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt Nam, hàng nghìn lao động ở các nơi đó đã bị rơi vào thảm cảnh mất việc làm”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo phản ánh của các hiệp hội tại Việt Nam như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay, các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, nhưng nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ khiến cho nhà máy chạy dưới công suất (hoạt động cầm chừng).

Hơn nữa, vào mùa vụ thu hoạch/khai thác là thời điểm hầu hết DN đều thực hiện quá số giờ làm thêm quy định. Bất cập hiện hành còn chưa được khắc phục thì nay nếu quy định về thời giờ làm giảm xuống 44 giờ/tuần có hiệu lực thi hành, chắc chắn DN sẽ tiếp tục vi phạm.

Doanh-nghiep-phap-phong-gio-la-7531-7093

DN lo lắng với đề xuất mới về khung giờ làm thêm, thời gian làm việc tiêu chuẩn

Băn khoăn về bước lùi

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, trong khi đa số các nước vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào…

Nếu cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn, các DN hoặc sẽ phải tổ chức làm thêm giờ hoặc sẽ phải tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm tăng. Các DN nội địa không chịu được áp lực về chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, giải thể. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ phải di chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động: người lao động mất việc làm, dẫn đến nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật… gây ảnh hưởng vô cùng xấu tới nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặt khác, trong bối cảnh cần cân đối và đảm bảo khả năng duy trì việc làm của người lao động, không gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và so sánh với việc quy định về thời gian làm thêm tại nhiều nước có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội tương đương Việt Nam, cần xem xét về việc nâng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường).

Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

Ts. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không có dáng dấp của các chính sách được tư duy một cách mạch lạc, được đánh giá một cách cẩn trọng và phù hợp với nền kinh tế mới. Nói cách khác, dự thảo này có tư duy tương đối bảo thủ, lạc hậu và nhiều điểm là bước lùi so với Bộ luật Lao động 2012.

Đối với kinh tế thị trường, “nguyên tắc vàng” là Nhà nước chỉ can thiệp khi có thất bại của thị trường. Tuy nhiên, dường như nhà soạn luật lại đang đứng trước góc độ nhà nước phụ mẫu, sợ người lao động làm quá nhiều mà kiệt sức, sợ giới chủ bóc lột lao động… Điều quan trọng là làm sao để hợp đồng/khế ước giữa người chủ lao động và người lao động phải được thực thi chứ không phải Nhà nước ngồi nghĩ thay người lao động và giới chủ sở hữu lao động về giờ làm thêm, tiền lương.

Ts. Vũ Thành Tự Anh lo ngại nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào lợi thế lao động giá rẻ, nếu tạo ra Bộ luật Lao động mà không tạo ra thị trường lao động khi đưa ra giới hạn tiền lương, giờ làm thêm… sẽ khiến người lao động Việt Nam lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng Bộ luật Lao động càng chặt, giới chủ và người lao động sẽ tìm cách lách và gây ra chi phí không đáng có cho nền kinh tế.

Theo Thy Lê/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm